Với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật CIS trả lời như sau:
Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở (đã được sửa đổi, bổ sung) về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cụ thể như sau:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”
Như vậy, nếu bạn thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định trên thì bạn được quyền đứng tên quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp bạn không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở thì chỉ được hưởng giá trị của ngôi nhà là di sản thừa kế khi di chúc có hiệu lực.
Ngoài ra, Điều 66, 67 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết các giấy tờ chứng minh đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà Việt Nam và giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bạn có thể xem cụ thể các quy định trong văn bản để biết mình đã có đủ giấy tờ chứng minh chưa.
Thứ hai, để tiến hành thủ tục đứng tên nhà ở thì bạn phải có giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, sau đó thực hiện thủ tục mở thừa kế và kê khai di sản thừa kế với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Hi vọng câu trả lời trên giải đáp được thắc mắc của bạn. Trong trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi.
LS. CIS Law Firm
Công ty Luật hợp danh C I S - ĐT 3911 8581 - www.cis.vn
76 Nguyễn Văn Thủ, P. Đakao, Quận 1, Tp.HCM