Theo thông tin bạn đưa ra, liên quan tới yếu tố “giảm biên chế”, Tôi xin đưa ra hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Giảm biên chế vì thay đổi cơ cấu thuộc trường hợp quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung.
Điều 17 Bộ luật lao động quy định:
“Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương”
Điều 11 Nghị định39/2003/NĐ-CP hướng dẫn thêm trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ Luật Lao động gồm các trường hợp sau:
1. Thay đổi một phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất lao động cao hơn.
2. Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến sử dụng lao động ít hơn.
3. Thay đổi cơ cấu tổ chức: sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị.
Do đó, nếu công ty bạn thuộc các trường hợp trên thì Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn và trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương
Trường hợp 2: Giảm biên chế KHÔNG vì thay đổi cơ cấu thuộc trường hợp quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung
Ngoài trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ quy định tại Điều 17 BLLĐ thì việc Công ty chấm dứt hợp động với bạn là trái pháp luật. Bởi vì trong các căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động quy định tại Điều 38 BLLĐ không có quy định căn cứ khi người sử dụng lao động vì lý do giảm biên chế thì được quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Và hình như Công ty bạn đã nhận ra vấn đề này nên mới yêu cầu bạn ký vào đơn xin thôi việc để từ đó Công ty có thể căn cứ theo Điều 36 BLLĐ (chấm dứt HĐLĐ theo thỏa thuận 2 bên) để chấm dứt HĐLĐ với bạn. Chính vì vậy, trong trường hợp này bạn không nên ký vào giấy này và vẫn tiếp tục làm việc theo HĐLĐ đã ký
Khi Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với bạn thì Công ty buộc phải bồi thường các khoản sau cho bạn:
- Công ty phải nhận bạn trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký
- Công ty phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Trong trường hợp Công ty không muốn nhận bạn trở lại làm việc và bạn đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường ở trên, hai bên thỏa thuận về khoản tiền bồi thường thêm cho bạn để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Công ty phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước trong trường hợp công ty vi phạm thời hạn báo trước
- Trả trợ cấp thôi việc trong trường hơp bạn không làm việc tại Công ty nữa. Trợ cấp thôi việc của bạn sẽ được tính như sau: 11,5 năm x 2.500.000 x ½ = 13.125.000 đồng.