1. Có hiệu lực từ ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6/2017)
2. Xây dựng chính sách pháp luật trẻ em phải hỏi ý kiến của trẻ
Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ và của cơ quan, tổ chức liên quan, đảm bảo lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ trong quy họach, kế họach phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương.
3. Cấm tiết lộ bí mật cá nhân của trẻ
Nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ.
4. Nhà trường phải tạo điều kiện để trẻ được bày tỏ ý kiến về chất lượng dạy học
Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học, quyền lợi ích chính đáng của trẻ trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ quan tâm.
5. Phải thông báo kết quả giải quyết đến trẻ sau khi tiếp nhận ý kiến của trẻ
Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác sau khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và phải thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.
6. Tuyệt đối không trù dập, kỳ thị khi trẻ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình
Khuyến khích sự tham gia của trẻ em; không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.
7. Nghiêm cấm phân biệt đối xử trẻ em vì đặc điểm cá nhân hoặc vì hoàn cảnh gia đình
Pháp luật nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ.
8. Vi phạm Luật trẻ em có thể bị xử lý hình sự
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật trẻ em 2016 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.