1. Không phân biệt đối xử giữa người khuyết tật và lao động khác
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
"Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
1. Phân biệt đối xử trong lao động.
2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật."
Như vậy, có thể thấy đặc biệt nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động, trong đó có cả hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên tình trạng khuyết tật. Theo đó, người lao động cũng phải được tạo điều kiện làm việc, đảm bảo quyền lợi như bao người lao động khác.
Nếu có hành vi phân biệt đối xử giữa người lao động khuyết tật với những người lao động khác, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2. Tổ chức khám sức khỏe định kì cho lao động khuyết tật
Theo khoản 1 Điều 159 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
"Điều 159. Sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
2. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ."
Theo quy định trên, người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời còn phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động khuyết tật ít nhất 06 tháng/lần.
3. Không bố trí lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại
Theo khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
"Điều 160. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó."
Với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nằm trong danh mục mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố, doanh nghiệp buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó cho người lao động là người khuyết tật biết.
Sau khi người lao động đã nắm rõ thông tin mà vẫn đồng ý làm việc thì doanh nghiệp mới được phép sử dụng người lao động khuyết tật thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
4. Cho người lao động khuyết tật nghỉ phép 14 ngày/năm
Với chế độ nghỉ hằng năm, điểm b khoản 1 Điều 113 Bộ Luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ như sau:
"Điều 113. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm."
Theo đó, người lao động khuyết tật làm việc đủ năm cho người sử dụng lao động thì sẽ được nghỉ quyền nghỉ phép 14 ngày/năm.
Đồng thời, theo quy định Điều 114 Bộ luật lao động 2019 như sau:
"Điều 114. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày."
Theo đó, nếu cứ làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động, người lao động khuyết tật còn được cộng thêm tương 01 ngày nghỉ vào số ngày phép năm. Trường hợp chưa làm đủ năm, người lao động khuyết tật sẽ được nghỉ phép với số ngày tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
5. Không sử dụng lao động khuyết tật làm thêm giờ khi họ đồng ý
Theo Khoản 1 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019, những người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng chỉ phải làm thêm giờ, làm ban đêm nếu họ đồng ý.
Nếu không có sự đồng ý của người lao động khuyết tật trên mà bố trí cho họ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên với những người khuyết tật nhẹ suy giảm lao động dưới 51% thì doanh nghiệp vẫn có thể tự ý sắp xếp thời gian làm việc của họ vào ban đêm mà không bị phạt.