Bài viết sau đây sẽ tổng hợp 28 tội danh liên quan đến xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Cụ thể như sau.
(1) 28 tội liên quan đến Quân nhân và Quân đội
Theo quy định hiện hành thì các hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bao gồm 28 tội liên quan được quy định chi tiết tại từ Điều 393 đến Điều 420 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bổi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017, cụ thể như sau
- Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393)
- Tội chống mệnh lệnh (Điều 394)
- Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh (Điều 395)
- Tội cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ (Điều 396)
- Tội làm nhục đồng đội (Điều 397)
- Tội hành hung đồng đội (Điều 398)
- Tội đầu hàng địch (Điều 399)
- Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh (Điều 400)
- Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (Điều 401)
- Tội đào ngũ (Điều 402)
- Tội trốn tránh nhiệm vụ (Điều 403)
- Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự (Điều 404)
- Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự (Điều 405)
- Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự (Điều 406)
- Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự (Điều 407)
- Tội báo cáo sai (Điều 408)
- Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy (Điều 409)
- Tội vi phạm quy định về bảo vệ (Điều 410)
- Tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện (Điều 411)
- Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 412)
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 413)
- Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 414)
- Tội quấy nhiễu nhân dân (Điều 415)
- Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ (Điều 416)
- Tội cố ý bỏ thương binh, tử sĩ hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh (Điều 417)
- Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418)
- Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm (Điều 419)
- Tội ngược đãi tù binh, hàng binh (Điều 420)
Trong số những tội danh nêu trên, tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự là các tội có mức án nặng nhất, cụ thể là chung thân.
(2) Những đối tượng nào phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân?
Căn cứ Điều 392 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như đã có nêu tại mục (1) bao gồm:
- Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
- Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
- Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
- Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.
Theo đó, hiện nay, những đối tượng như đã nêu trên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
(3) Cơ quan nào có thẩm quyền xét xử đối với các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân?
Căn cứ khoản 2 Điều 162 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Theo đó, tại Điều 50 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định về Tổ chức Tòa án quân sự bao gồm:
- Tòa án quân sự trung ương.
- Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
- Tòa án quân sự khu vực.
Bên cạnh những Tòa án có thẩm quyền xét xử như đã nêu trên, tại khoản 2 Điều 272 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 cũng có nêu rõ, Tòa án quân sự sẽ có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.