Từ 1/4/2024 TPHCM đã chính thức đưa 239 chiếc xe buýt đời mới với 16 tuyến đi vào hoạt động thay thế các phương tiện cũ đã xuống cấp.
Nâng cấp diện mạo, cải thiện chất lượng
Sau hơn 10 ngày chính thức lăn bánh,Trung tâm quản lý giao thông công cộng (GTCC) TPHCM nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách và có nhiều kế hoạch đề ra nhằm nâng cao chất lượng xe buýt công cộng phục vụ hành khách trong thời gian sắp tới
Ông Nguyễn Ngọc Thạnh - Trưởng phòng quản lý dịch GTCC cho biết, theo quan sát của Trung tâm qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội hiện nay thì mọi người đều có phản ánh tích cực đối với việc thay đổi diện mạo lần này.
Đối với xe buýt, ngoài diện mạo mới, các phương tiện được thay thế khang trang, hiện đại hơn. Các xe buýt mới đưa vào ngày 01/4/2024 đã được trang bị các hệ thống mới như hệ thống camera giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống loa báo trạm, hệ thống bán vé,... đối với các tiện ích được cung cấp thì người dân, hành khách có cảm nhận rất tốt về chất lượng cũng như là thái độ phục vụ.
Trên các chiếc xe buýt mới được thay thế, hệ thống máy lạnh được tăng cường, mọi người khi đi xe buýt lúc trời nắng nóng hiện nay sẽ thấy dễ chịu hơn.
Theo thống kê của Trung tâm quản lý GTCC thì số lượng hành khách tham gia bình quân trên ngày tăng 12% so với tháng trước
Trung tâm quản lý GTCC cho biết, cũng có một số vấn đề cần khắc phục như việc xe buýt vận hành không đảm bảo được thời gian đúng tuyến do phương tiện cá nhân trên đường khá nhiều, ảnh hưởng đến việc hoạt động của xe buýt,
Với đoàn phương tiện hiện nay, Trung tâm quản lý GTCC đang có kế hoạch đấu thầu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt bằng phương tiện mới, dự kiến 01/5/2024 Trung tâm sẽ đưa vào khai thác 6 tuyến xe buýt mới với hơn 60 phương tiện mới đưa vào hoạt động để phục vụ người dân được tốt hơn.
Bên cạnh công tác đấu thầu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới thì Trung tâm quản lý GTCC cũng thường xuyên triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng các kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ cho xe buýt.
Ngoài ra Trung tâm cũng có triển khai dự án tăng cường kết nối với tuyến metro số 1 (đã triển khai từ tháng 12/2023), dự kiến tháng 7/2024 sẽ tổ chức đấu thầu chọn ra các đơn vị để vận hành các tuyến xe buýt kết nối với tuyến metro số 1.
Trung tâm quản lý GTCC cũng có sự nghiên cứu và điều chỉnh lộ trình của các tuyến xe buýt để phù hợp, phục vụ tốt hơn cho người dân. triển khai công tác giám sát hoạt động của xe buýt thông qua hệ thống công nghệ thông tin
Hiện nay, TPHCM có 2087 phương tiện xe buýt hoạt động trên các tuyến xe buýt, trong đó có 539 xe buýt chạy bằng điện, nhiên liệu sạch
Xe buýt được đưa vào sử dụng 10 năm trở lại chiếm 85% số lượng xe, phương tiện mới đầu tư dưới 5 năm chiếm 23,6 %, các phương tiện có niên hạn từ 16-20 năm là 152 xe chiếm 7,28%.
Cơ chế đấu thầu khai thác tuyến xe buýt
Theo Trung tâm quản lý GTCC, Sở Giao thông vận tải TPHCM, các tuyến và xe buýt mới nêu trên do Công ty cổ phần xe khách Sài Gòn (Saigonbus) và Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines khai khác. Đây là những tuyến có trợ giá, được thành phố tổ chức đấu thầu trước khi chọn hai đơn vị trên vận hành.
Trong 16 tuyến xe mới, Futabuslines khai thác 11 tuyến mang số hiệu: 29, 57, 99, 141, 68, 192, 16, 41, 61, 73 và 151. Những tuyến còn lại bao gồm các số hiệu 6, 10, 50, 52, và 91 do Saigonbus đảm nhận. Trung tâm quản lý GTCC cho biết, các tuyến này được được thay thế toàn bộ phương tiện cũ bằng xe đời mới, trong đó có 195 xe chạy bằng dầu Diesel và 44 phương tiện dùng nhiên liệu CNG.
Xe buýt số102, một trong các tuyến có xe được thay thế mới từ đầu tháng 4
Giá vé của các tuyến xe đều được giữ nguyên, khách đi mỗi lượt là 6.000 đồng, vé tập 135.000 đồng/30 vé, giá vé lượt dành cho học sinh, sinh viên là 5.000 đồng.
Theo đại diện từ Futabuslines, xe hoạt động trên 11 tuyến do đơn vị chuẩn bị khai thác thuộc loại 55 chỗ (đứng, ngồi). Những tuyến này miễn vé cho trẻ em cao dưới 1,3m, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, người cao tuổi,...
Hiện nay TPHCM có khoảng 90 tuyến xe buýt trợ giá. Thời gian qua, ngành giao thông thành phố đấu thầu khai thác các tuyến theo tiêu chí mới, đến nay có hơn 20 tuyến chọn được đơn vị khai thác, thời hạn là 5 năm.
Cơ chế đấu thầu khai thác các tuyến giúp tạo sự cạnh tranh, chọn được đơn vị đủ năng lực nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút nhiều người đi xe buýt. Thời hạn thực hiện hợp đồng 5 năm cũng giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu, lợi nhuận để triển khai các phương án thu hút khách.
(Nguồn tổng hơp)