Khi hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng ưa chuộng các hợp đồng mẫu hoặc các điều kiện giao dịch chung. Tâm lý của bên thiết kế điều khoản là luôn nhằm mục đích tối đa hoá lợi ích của mình, đôi khi phớt lờ cả sự công bằng đối với khách hàng, người tiêu dùng.
Vì vấn đề đó, nên Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định các loại điều khoản, điều kiện giao dịch chung sau đây sẽ không có hiệu lực nếu được ghi trong hợp đồng:
1. Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
2. Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;
3. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;
4. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;
5. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
6. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
7. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;
8. Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;
9. Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;
10. Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.
Hãy theo đuổi sự ưu tứu, thành công sẽ theo đuổi bạn !