Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/05 sắp tới, Dân Luật gửi đến các thành viên 10 điều người lao động cần biết năm 2015.
Người lao động là tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội hiện nay, họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một đất nước. Tuy nhiên, kiến thức pháp luật về lao động nhiều người vẫn còn rất mù mờ, dẫn đến người lao động thường chịu thiệt thòi vì thiếu hiểu biết.
Dưới đây là 10 điều người lao động cần biết năm 2015.
1. Thời gian thử việc tối đa là 60 ngày, 30 ngày hoặc 06 ngày tùy vào trình độ của bạn
- Chỉ được thử việc 01 lần với 01 công việc.
- Thời gian thử việc là 60 ngày với trình độ từ cao đẳng trở lên, 30 ngày với trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ và 06 ngày với công việc khác.
Yêu cầu thử việc quá 01 lần, cho thử việc quá thời hạn phạt người sử dụng lao động 2 – 5 triệu đồng.
|
2. Lương thử việc tối thiểu là 2.635 triệu với các doanh nghiệp tại các TP lớn
Lương thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, nhưng ít nhất bằng 85% mức lương của công việc đó.
Lương tối thiểu vùng tại các TP lớn như Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, một số quận huyện của Hà Nội, Hải Phòng là 3.100 triệu đồng.
Vì vậy, lương thử việc tối thiểu của người lao động tại các vùng này ít nhất bằng 85% của 3.100 triệu đồng.
Trả lương thử việc thấp hơn mức quy định phạt người sử dụng lao động 2 – 5 triệu đồng.
Ngoài ra, buộc phải trả đủ lương thử việc theo quy định cho người lao động.
|
3. Thử việc đạt yêu cầu phải ký hợp đồng lao động
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
4. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động
Ngoài ra, không được yêu cầu người lao động nộp tiền hay tài sản khác để ký hợp đồng lao động.
Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; yêu cầu người lao động nộp tiền hay tài sản khác để ký hợp đồng lao động phạt người sử dụng lao động từ 20 – 25 triệu đồng.
Đồng thời, buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ; buộc trả lại tiền, tài sản đã thu.
|
5. Nếu không được trả lương đầy đủ, trả lương không đúng hạn, bị quấy rối tình dục, cưỡng bức,… người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Tuy nhiên, người lao động phải báo trước ít nhất 03 ngày cho người sử dụng lao động. Đồng thời, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên được nhận trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc nhận được ½ tháng tiền lương.
Việc trả lương không đầy đủ, trả lương không đúng hạn, người sử dụng lao động bị phạt từ 5 – 50 triệu đồng tùy theo số người lao động mà họ vi phạm.
Không trả đủ trợ cấp thôi việc phạt từ 500 ngàn đến 20 triệu đồng tùy theo số người lao động mà họ vi phạm.
|
6. Người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã được nhận trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp mất việc làm tính theo số năm làm việc, mỗi năm làm việc được 01 tháng lương, ít nhất cũng bằng 02 tháng lương.
Không trả đủ trợ cấp thôi việc phạt từ 500 ngàn đến 20 triệu đồng tùy theo số người lao động mà họ vi phạm.
|
7. Trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm tiền
Số tiền này bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
8. Lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm
Tiền lương làm thêm căn cứ theo đơn giá tiền lương hay tiền lương theo công việc đang làm như sau:
- Ngày thường: ít nhất 150%.
- Ngày nghỉ hàng tuần: ít nhất 200%.
- Ngày lễ, tết: hưởng ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Làm việc ban đêm: ít nhất 30%, nếu làm thêm vào ban đêm vào những ngày trên thì ngoài khoản này được trả thêm 20%.
Không trả lương theo quy định phạt người sử dụng lao động từ 5 – 50 triệu đồng tùy theo số người lao động mà họ vi phạm.
|
9. Ngày nghỉ phép là 12 ngày/năm
Số ngày này áp dụng với công việc lao động bình thường, đồng thời, cứ 05 năm làm việc số phép năm tăng lên 01 ngày.
10. Những ngày nghỉ việc có hưởng lương
- Tết Dương lịch: 01 ngày. (ngày 01/01 dương lịch)
- Tết Âm lịch: 05 ngày. (có thể thỏa thuận nghỉ 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch)
- Ngày Giải phóng miền Nam: 01 ngày. (30/04 dương lịch)
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày. (01/05 dương lịch)
- Ngày Quốc khánh: 01 ngày. (02/09 dương lịch)
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày. (10/03 âm lịch)
Những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù.
Riêng người lao động nước ngoài, ngoài các ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm 01 ngày với Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
- Trường hợp chính bản thân người lao động kết hôn được nghỉ 03 ngày, con kết hôn nghỉ 01 ngày và bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ/chồng chết; vợ, chồng hoặc con chết: nghỉ 03 ngày.
Vi phạm quy định nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần, nghỉ phép năm, người sử dụng lao động bị phạt từ 500 ngàn đến 15 triệu đồng tùy theo số người lao động mà họ vi phạm.
|
Cập nhật bởi HuyenVuLS ngày 04/05/2015 10:13:09 SA