Từ ngày 01/8/2016, hàng loạt các quy định mới liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, song song đó, là các quy định liên quan đến lao động, tiền lương…
Sau đây, Dân Luật sẽ giới thiệu đến các bạn 10 điều cần biết từ ngày 01/8/2016:
1. Bắt đầu áp dụng mức phạt mới đối với hàng loạt lỗi vi phạm giao thông
Đáng chú ý nhất là các quy định sau:
- Nghiêm cấm xử phạt lỗi không bật đèn xi nhan khi đi vào đường cong
- Tổng hợp mới các mức phạt vi phạm giao thông phổ biến
- Mức phạt mới từ 01/8/2016 đối với trường hợp rẽ phải khi có đèn đỏ
Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem Toàn văn 206 điểm mới của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính giao thông đường bộ và đường sắt tại đây.
2. Tăng mức phạt đối với nhiều vi phạm liên quan đến hóa đơn
Quy định này được đề cập tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP. Xem chi tiết tại Tập hợp quy định xử phạt liên quan đến hóa đơn 2016.
3. Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm khai thuế
Cụ thể, phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế cao hơn quy định đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ quá 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước khi cơ quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lương, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu nhưng người nộp thuế đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan hải quan kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.
Căn cứ theo Nghị định 45/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, các bạn có thể xem thêm Cập nhật quy định xử phạt hành chính trong tất cả lĩnh vực.
4. Danh mục 17 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Nội dung này được quy định chi tiết tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH thay thế Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH, bao gồm:
1. Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
2. Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
3. Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phương tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm...).
4. Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng gồm: máy đóng cọc, máy ép cọc, khoan cọc nhồi, búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm; máy phun hoặc bơm vữa, trộn vữa, bê tông; trạm nghiền, sang vật liệu xây dựng; máy xúc, đào, ủi, gạt, lu, đầm rung, san; các loại kích thủy lực; vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn.
5. Lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, cưa, máy phay, máy bào, máy tiện, uốn, xẻ, cắt, xé chặt, đột, dập, đục, đập, tạo hình, nạp liệu, ra liệu, nghiền, xay, trộn, cán, ly tâm, sấy, sàng, sàng tuyển, ép, xeo, chấn tôn, tráng, cuộn, bóc vỏ, đóng bao, đánh bóng, băng chuyền, băng tải, súng bắn nước, súng khí nén; máy in công nghiệp.
6. Làm khuôn đúc, luyện, cán, đúc, tẩy rửa, mạ, đánh bóng kim loại, làm sạch bề mặt kim loại; các công việc luyện quặng, luyện cốc; làm các công việc ở khu vực lò quay sản xuất xi măng, lò nung hoặc buồng đốt vật liệu chịu lửa, vật liệu xây dựng, luyện đất đèn; vận hành, sửa chữa, kiểm tra, giám sát, cấp liệu, ra sản phẩm, phế thải các lò thiêu, lò nung, lò luyện.
7. Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.
8. Các công việc trên sông, trên biển, lặn dưới nước.
9. Chế tạo, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hang hầm, hầm tàu, phương tiện thủy.
10. Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa.
11. Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz.
12. Các công việc làm việc ở các nơi thiếu dưỡng khí hoặc có khả năng phát sinh các khí độc như hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống và các công trình ngầm, các công trình xử lý nước thải, rác thải.
13. Các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại.
14. Khảo sát địa chất, địa hình, thực địa biển, địa vật lý; Khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí; Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền.
15. Các công việc trực tiếp thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo, di rời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
16. Các công việc làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện; thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện.
17. Các công việc làm về hàn, cắt kim loại.
5. Thông tư 05/2016/TT-BNV hướng dẫn áp dụng mức lương cơ sở mới
Theo Thông tư 05, thì mức lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương do Nhà nước quy định được hướng dẫn như sau:
- Mức lương từ ngày 01/5/2016 = mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng x hệ số lương hiện hưởng.
- Đối với mức phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:
Khoản phụ cấp từ ngày 01/5/2016 = mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng x hệ số phụ cấp hiện hưởng.
- Đối với mức phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Khoản phụ cấp từ ngày 01/5/2016 = (mức lương từ 01/5/2016 + mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 01/5/2016 + mức phụ cấp thâm niên vượt khung từ 01/5/2016) x tỷ lệ % phụ cấp được hưởng.
- Đối với khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể: giữ nguyên mức hưởng.
- Mức chênh lệch bảo lưu từ 01/5/2016 = mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng x hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng.
- Mức hoạt động phí từ 01/5/2016 (dành cho Đại biểu HĐND các cấp) = mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng x hệ số hoạt động phí.
6. Lương cơ bản của quản lý công ty cổ phần có vốn Nhà nước không quá 36 triệu đồng/tháng
Cụ thể theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP:
Mức tiền lương bình quân kế họach đối với người quản lý công ty chuyên trách là người đại diện phần vốn nhà nước được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân năm trước liền kề gắn với việc bảo toàn, phát triển vốn của DN, bảo đảm tiền lương và thu nhập của NLĐ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với NLĐ và Nhà nước, các chỉ tiêu SXKD theo kế họach, bảo đảm tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng đối với công ty có lợi nhuận kế họach dưới 50 tỷ đồng.
Trường hợp công ty có lợi nhuận kế họach từ 50 tỷ đồng trở lên thì hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương so với mức lương cơ bản:
- Tối đa 0.5 đối với công ty có lợi nhuận từ 50 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng.
- Tối đa 1.0 đối với công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng.
- Tối đa 1.5 đối với công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 500 tỷ đến dưới 1.000 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 300 tỷ đến dưới 700 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 200 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng.
- Tối đa 2.0 đối với công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 1.000 tỷ đến dưới 1.500 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 700 tỷ đến dưới 1.000 tỷ đồng, công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 500 tỷ đến dưới 700 tỷ đồng.
- Tối đa 2.5 đối với công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 1.500 tỷ trở lên, công ty thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng trở lên, công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 700 tỷ đồng trở lên.
Nếu công ty có quy mô, lợi nhuận lớn hơn nhiều so với giới hạn trên hoặc do tính chất đặc thù cần khuyến khích lao động quản lý thì được áp dụng mức cao hơn nhưng tối đa không quá 10% so với hệ số tăng thêm.
Còn đối với người quản lý công ty chuyên trách không phải là người đại diện phần vốn Nhà nước thì mức lương bình quân kế họach được xác định trên cơ sở vị trí công việc, bảo đảm cân đối hợp lý với tiền lương của chức danh tương tự trên thị trường và tiền lương người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty.
Xem thêm tại Nghị định 53/2016/NĐ-CP.
7. Hướng dẫn cách xác định tiền lương cho người làm việc tại DN Nhà nước
Xem chi tiết hướng dẫn tại đây.
Căn cứ Nghị định 51/2016/NĐ-CP và Nghị định 52/2016/NĐ-CP.
8. Hướng dẫn điều chỉnh tăng lương từ 01/5/2016 theo Nghị định 55
Cụ thể là hướng dẫn điều chỉnh tăng 8% lương đối với một số đối tượng. Xem chi tiết hướng dẫn tại đây.
Căn cứ Nghị định 55/2016/NĐ-CP.
9. Hướng dẫn thủ tục nộp thuế điện tử
Bao gồm 3 bước sau:
Bước 1: Lập chứng từ nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế:
Người nộp thuế phải đăng nhập vào hệ thống Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, sau đó, chọn nộp tiền theo 1 trong 2 trường hợp: Lập giấy nộp tiền hoặc Lập giấy nộp tiền nộp thay và kê khai thông tin cụ thể trên giấy nộp tiền vào ngân sách, gồm:
+ Thông tin loại tiền nộp thuế.
+ Thông tin người nộp thuế và người nộp thay.
+ Thông tin ngân hàng/Kho bạc Nhà nước và tài khoản trích nộp thuế.
+ Thông tin nộp ngân sách nhà nước.
+ Thông tin tài khoản Kho bạc Nhà nước.
+ Thông tin nộp theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền (nếu có)
+ Thông tin tên cơ quan quản lý thu.
+ Thông tin về khoản nộp ngân sách nhà nước.
Hoàn thành lập chứng từ nộp thuế: Người nộp thực hiện ký điện tử vào ít nhất 1 trong 3 vị trí của người nộp tiền/ kế toán trưởng/ thủ trưởng đơn vị và gửi giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước trên hệ thống nộp thuế điện tử.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý chứng từ nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Bước 3: Nộp thuế điện tử qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp.
Nội dung này được quy định tại Thông tư 84/2016/TT-BTC.
10. Hướng dẫn 8 trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN
Đó là các trường hợp quy định tại Thông tư 83/2016/TT-BTC:
1. Dự án đầu tư mới đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDn theo Luật thuế TNDN hiện hành hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
2. Dự án đầu tư mới vào địa bàn là khu kinh tế, khu công nghệ cao.
3. Dự án đầu tư mới tại địa bàn khu công nghiệp mà không thuộc trường hợp vừa nêu trên.
4. Dự án đầu tư mới tại địa bàn khu chế xuất.
5. Dự án đầu tư mới đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế TNDN.
6. DN công nghệ cao, DN KHCN, tổ chức KHCN.
7. Dự án đầu tư mới sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
8. Dự án đầu tư mở rộng.
Xem chi tiết hướng dẫn tại Thông tư 83/2016/TT-BTC.
Ngoài ra, đến thời điểm hiện nay, Dân Luật đã cập nhật:
- Văn bản hướng dẫn của hơn 100 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
- Bảng so sánh 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định mới và cũ.
Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"