Kháng cáo là gì? Quyền kháng cáo là gì?
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận Tòa án thực hiện chế độ 02 cấp xét xử, trong đó: Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất và xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai. Có thể lý giải xuất phát điểm của việc quy định thực hiện chế độ 02 cấp xét xử nhằm hướng đển đảm bảo xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và cũng không làm oan, sai người vô tội. Theo đó, xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai nhưng không bắt buộc đối với mọi vụ án mà được tiến hành khi có kháng cáo, kháng nghị hợp pháp đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác, xét xử phúc thẩm xét về bản chất là hình thức kiểm tra của Toà án cấp trên trực tiếp đối với hoạt động xét xử của Toà án cấp dưới trực tiếp nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai lầm thiếu sót có thể có trong bản án hoặc quyết định của Toà án cấp dưới trực tiếp chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy, kháng cáo được xem là một trong những cơ sở để mở phiên toà phúc thẩm. Hiện nay, nhái niệm về kháng cáo/ quyền kháng cáo chưa được định nghĩa ở góc độ pháp luật. Tuy nhiên, về mặt nhận thức thực tiễn, chúng ta có thể hiểu:
+ Kháng cáo là “phản đối, chống lại” bán án/quyết định sơ thẩm và chống án lên Tòa án cấp trên để yêu cầu xét xử lại.
+ Và, quyền kháng cáo chính là phương tiện để những người tham gia tố tụng bày tỏ sự không đồng tình của mình đối với bản án/quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Đối tượng của kháng cáo là gì?
Đối tượng của kháng cáo chính là “bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật”.
Trong đó, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo bao gồm: quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm.
Chủ thể nào được quyền kháng cáo? Phạm vi kháng cáo?
STT
|
CHỦ THỂ CÓ QUYỀN KHÁNG CÁO
|
PHẠM VI KHÁNG CÁO
|
1
|
Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ (chỉ là đại diện theo pháp luật)
|
Có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm
|
2
|
Người bào chữa
|
Có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
|
3
|
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ
|
Có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
|
4
|
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ
|
Có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
|
5
|
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của: bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
|
Có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ
|
6
|
Người được Tòa án tuyên không có tội
|
Có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
|
Thời hạn kháng cáo
+ Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm: là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
+ Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm: là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
- Xác định ngày kháng cáo:
+ Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
+ Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
+ Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
- Xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo:
Theo quy định tại Mục 4 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP thì việc xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc kháng cáo được thực hiện như sau:
+ Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo: là ngày tiếp theo của ngày được xác định.
Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà.
Ví dụ: Ngày 20/10/2018 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có mặt bị cáo B và cùng ngày tuyên án đối với bị cáo B. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 20/10/2018 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với B) là ngày 21/10/2018.
Ví dụ 2: Ngày 20/10/2018 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vắng mặt người bị hại là A và cùng ngày tuyên án. Ngày 22/10/2018 Toà án mới giao bản án cho A hoặc niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã nơi A cư trú. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 22/10/2018 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với A) là ngày 23/10/2018.
Trong trường hợp ngay trong ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định mà bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà có đơn kháng cáo ngay, thì Toà án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo theo thủ tục chung.
+ Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo: là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Kháng cáo quá hạn
Trong những trường hợp không kịp làm đơn kháng cáo vì lý do bất khả kháng, pháp luật có qui định về trường hợp “kháng cáo quá hạn”. Tức là kháng cáo sau khi đã quá thời hạn kháng cáo theo luật định (15 ngày đối với bản án, 7 ngày đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm). Đây là trường hợp đặc biệt, để Tòa xem xét và đánh giá nguyên nhân kháng cáo quá hạn, từ đó sẽ có thể chấp nhận đơn kháng cáo của đương sự – trên nguyên tắc bảo đảm quyền kháng cáo vì những lý do khách quan của đương sự dẫn đến việc phải kháng cáo quá hạn.
Theo đó, việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do chính đáng mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định. “Lý do chính đáng” là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định, ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị...
Khi làm đơn kháng cáo quá hạn, cần lưu ý:
+ Khi kháng cáo quá hạn, ngoài “Đơn kháng cáo” như các trường hợp chung, người kháng cáo còn phải nộp kèm một văn bản trình bày về nguyên nhân dẫn đến việc kháng cáo quá hạn. Theo đó, nếu Bản trình bày đưa ra được những ý kiến, bằng chứng … chứng minh được lý do của việc kháng cáo quá hạn là hợp lý, thì nhiều khả năng đơn kháng cáo sẽ được chấp thuận.
+Vì kháng cáo quá hạn là trường hợp đặc biệt trong tố tụng nên thay vì đương nhiên được chấp thuận như trường hợp thông thường, trong trường hợp này, đơn và Bản trình bày về lý do kháng cáo quá hạn sẽ được chuyển lên Tòa án cấp trên. Và ở đây sẽ xem xét việc có chấp nhận về yêu cầu kháng cáo quá hạn hay không chấp nhận yêu cầu này.
Thủ tục kháng cáo
- Các bước:
+ Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
+ Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
- Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
- Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.
Có được ủy quyền kháng cáo không?
Câu trả lời là: Có, nhưng chỉ giới hạn đối với một số chủ thể nhất định. Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP, những chủ thể sau đây có quyền ủy quyền kháng cáo:
+ Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ (trong đó, gồm cả: đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền).
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ (trong đó, gồm cả: đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền).
Trong trường hợp ủy quyền, tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Hậu quả của việc kháng cáo
- Kháng có một phần: Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Kháng cáo toàn bộ: Khi có kháng cáo đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 23/12/2018 09:30:02 CH