Luật Đấu thầu 2023 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 trong đó quy định nhiều nội dung mới mà các tổ chức, doanh nghiệp cần nắm rõ khi tổ chức đấu thầu từ năm sau. Đặc biệt là quy trình lựa chọn nhà thầu mới, vậy thủ tục lựa chọn nhà thầu được quy định thế nào?
1. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
- Đánh giá hồ sơ dự thầu.
- Thương thảo hợp đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
- Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
2. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu được quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của một hoặc các nhà thầu (nếu có).
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
- Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau:
+ Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu.
+ Hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
+ Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
3. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chào hàng cạnh tranh
Theo khoản 3 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chào hàng cạnh tranh bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
4. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của nhà thầu.
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
5. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với tự thực hiện
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với tự thực hiện bao gồm các bước sau đây (khoản 5 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023):
- Chuẩn bị phương án tự thực hiện, bao gồm dự thảo thỏa thuận giao việc;
- Hoàn thiện phương án tự thực hiện;
- Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Ký kết thỏa thuận giao việc; quản lý việc thực hiện gói thầu.
6. Thủ tục lựa chọn tư vấn cá nhân
Tại khoản 6 Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 quy định việc lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu một hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần sự tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện để thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức.
Quy trình, thủ tục lựa chọn tư vấn cá nhân bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
- Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân.
- Thương thảo hợp đồng.
- Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
7. Thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;
- Tổ chức lựa chọn;
- Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.