Đình công là quyền lợi hợp pháp của người lao động, được pháp luật lao động thừa nhận. Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Lao động 2012 thì “đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động”.
Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Một cuộc đình công hợp pháp phải được thực hiện theo trình tự sau:
1. Lấy ý kiến tập thể lao động.
2. Ra quyết định đình công.
3. Tiến hành đình công.
Mặc dù, pháp luật thừa nhận đình công là quyền của người lao động tuy nhiên, không phải cuộc đình công nào cũng được coi là hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Theo quy định tại Điều 215 thì những trường hợp đình công bất hợp pháp gồm:
1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
2. Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
3. Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
4. Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
5. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
Có thể thấy, đình công là giải pháp sau cùng mà người lao động nên lựa chọn khi có các tranh chấp lao động tập thể về vật chất nhằm đạt được yêu cầu của mình. Tuy nhiên, những người lao động hãy lựa chọn đình công khi thật cần thiết và lựa chọn hình thức phù hợp, nhằm bảo vệ được lợi ích của mình nhưng không gây nhiều thiệt hại cho người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, hãy tổ chức đình công phù hợp, không trái quy định pháp luật để hạn chế những rủi ro cũng như đảm bảo được quyền lợi cho mình.