>>> Những điều về BHXH trong năm 2019 mà NLĐ cần biết
>>> 7 điều NLĐ phải biết trong năm 2019 để bảo vệ quyền lợi của mình
1. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm Xã hội là gì?
Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (sau đây sẽ gọi là Giấy chứng nhận) được cơ sở y tế có thẩm quyền cấp cho người lao động (NLĐ) tham gia BHXH, là một trong những căn cứ để làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau hoặc thai sản khi NLĐ thực hiện điều trị ngoại trú.
Mẫu Giấy chứng nhận được đính kèm cuối bài viết.
2. Khi nào được sử dụng Giấy chứng nhận để làm hồ sơ hưởng BHXH?
- Với chế độ ốm đau: trường hợp NLĐ hoặc con của NLĐ điều trị ngoại trú
- Với chế độ thai sản: trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, NLĐ thực hiện biện pháp tránh thai (đặt vòng tránh thai,thực hiện biện pháp triệt sản) khi điều trị ngoại trú
3. Một số nguyên tắc khi cấp Giấy chứng nhận
- Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (CSKCB) đã được cấp giấy phép hoạt động cấp.
- Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh đó và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Phải đúng với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải ghi đầy đủ, rõ ràng, không được tẩy xóa và ghi toàn bộ bằng tiếng Việt (nội dung trên 2 liên phải như nhau).
- Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
4. Ai và cơ quan nào có thể cấp Giấy chứng nhận?
Giấy chứng nhận được cấp bởi CSKCB đã được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Nội dung của Giấy chứng nhận sẽ bao gồm hai phần xác nhận:
- Thứ nhất: Người hành nghề khám chữa bệnh.
+ Đây là phần xác nhận người hành nghề làm việc tại CSKCB, được phân công của người đứng đầu CSKCB đó.
+ Người hành nghề làm việc tại CSKCB đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
+ Trường hợp CSKCB không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Thứ hai: Xác nhận của Thủ trưởng đơn vị. Đây là phần xác nhận người đứng đầu CSKCB hoặc người được người đứng đầu ủy quyền được ký và đóng dấu của CSKCB đó.
Trường hợp người đứng đầu CSKCB hoặc người được người đứng đầu CSKCB ủy quyền được ký và đóng dấu đồng thời là người khám bệnh thì người đó chỉ cần ký và đóng dấu ở phần này và không phải ký tên ở Phần y, bác sỹ KCB nhưng vẫn phải ghi ngày, tháng, năm cấp.
Mọi người có thể thực hiện tra cứu tại Danh sách hành nghề được phân công ký Giấy chứng nhận của Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tại đây sẽ xem được đầy đủ những cơ sở khám, chữa bệnh được cấp Giấy chứng nhận, phạm vi hoạt động chuyên môn, danh sách người hành nghề được phân công ký Giấy chứng nhận của từng quận, huyện của từng tỉnh.
5. Mức hưởng Bảo hiểm xã hội
- Với chế độ ốm đau:
* Về mức trợ cấp chế độ ốm đau: Mọi người xem thêm tại đây
* Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày = (mức trợ cấp ốm đau theo tháng)/24 ngày.
- Với chế độ thai sản
* Mức hưởng theo tháng:
+ Khi thời gian đóng BHXH từ 06 tháng trở lên: một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
+ Khi thời gian đóng BHXH chưa đủ 06 tháng: là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
* Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. Riêng trường hợp đi khám thai bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Căn cứ:
- Luật Bảo hiểm Xã hội 2014
- Thông tư 56/2017/TT-BYT