Bên cạnh quy định về điều kiện chung để dẫn đến hủy bỏ hợp đồng. Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 cũng đã bổ sung thêm một số quy định cho phép hủy bỏ hợp đồng.
Thứ nhất, hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ
“Điều 424. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.
2. Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Việc dành riêng một điều luật về hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện là hết sức phù hợp do trường hợp này khá phổ biến. Ở đây, chúng ta phải xem mục đích của hợp đồng có đạt được hay không khi chậm thực hiện.
Chẳng hạn, A đặt mua bánh sinh nhật và thỏa thuận với bên bán B là giao hàng vào lúc 11 giờ trưa nhưng, đến tận 12 giờ trưa, B mới giao trong khi buổi sinh nhật đã kết thúc. Trong trường hợp này, theo quy định trên, A được quyền hủy bỏ hợp đồng.
Thứ hai, hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện được
"Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại"
Quy định này đủ rộng để cho phép hủy bỏ hợp đồng trước hạn.
Ví dụ: A và B cam kết là A sẽ giao hàng cho B vào 17 giờ ở Quận 1 TP Hồ Chí Minh nhưng, vào lúc 14 giờ cùng ngày, B được A thông báo rằng xe của A có sự cố và vẫn chưa khởi hành từ Lạng Sơn. Trong trường hợp này, ở thời điểm 14 giờ (tức trước khi đến hạn A giao hàng theo thỏa thuận), B biết rằng đến thời điểm đã thỏa thuận thì A không thực hiện đúng hợp đồng. Đây là trường hợp vi phạm hợp đồng trước thời hạn và theo quy định trên, B được hủy bỏ hợp đồng.
Lý giải cho quy định trên, PGS.TS Đỗ Văn Đại từng khẳng định: “thật bất hợp lý khi không cho phép một bên hủy hay chấm dứt hợp đồng trong khi biết chắc là bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng nếu đến hạn thực hiện. Mặt khác, sẽ có lợi về kinh tế khi cho phép một bên hủy hay đình chỉ (chấm dứt) hợp đồng trong trường hợp bên kia sẽ vi phạm hợp đồng. Ví dụ, nếu cho phép bên mua hủy hợp đồng khi biết chắc là bên bán sẽ không thực hiện hợp đồng, chúng ta sẽ giúp người mua sớm đi tìm người bán khác để có được số lượng hàng cần mua nhằm đáp ứng được nhu cầu của mình. Hoặc khi biết chắc là bên mua sẽ không nhận hàng và không trả tiền, cho phép người bán hủy hợp đồng sẽ giúp họ sớm tìm được đối tác tiêu thụ mới hoặc quyết định không tiếp tục sản xuất nữa để tránh bị tồn đọng thừa hàng”.
Thứ ba, hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng
“Điều 426. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng
Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật này.”
Trong trường hợp này, bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của BLDS.