Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, Thông tư quy định cụ thể 03 trường hợp không tính tiền cá nhân, tổ chức chậm nộp phạt vi phạm hành chính bao gồm:
(1) Trường hợp không bị tính tiền chậm nộp phạt
- Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại.
- Cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.
(2) Trường nào sẽ tính tiền chậm nộp phạt?
Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Đơn cử tại khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
- Cá nhân bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên.
- Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
(3) Căn cứ tính tiền chậm nộp phạt của cơ quan có thẩm quyền
Trường hợp cơ quan thu tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 18/2023/TT-BTC căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt khi cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản phải căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và nộp tiền chậm nộp phạt.
Trong đó, sử dụng biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá, biên lai thu tiền phạt lập và in từ Chương trình ứng dụng thu ngân sách nhà nước hoặc chứng từ khác theo quy định của pháp luật để thu tiền chậm nộp phạt.
Tiền chậm nộp phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, còn số tiền chậm nộp phạt thực hiện hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước.