Tình huống phát sinh là cửa hàng bán lẻ xăng dầu niêm yết giá bán cụ thể nhưng trụ bơm bán giá cao hơn giá niêm yết. Vậy hành vi của cửa hàng có đúng không và sẽ bị xử lý như thế nào?
Điều kiện hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Để được kinh doanh, theo quy định tại Điều 24 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BCT năm 2021 hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành thì cửa hàng bán lẻ xăng dầu được phép kinh doanh sau khi được được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu nếu đáp ứng các điều kiện:
- Thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên của thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu). Trường hợp đi thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân đi thuê phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu;
- Được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi đáp ứng các điều kiện trên, thương nhân cần gửi một (01) bộ hồ sơ về Sở Công Thương. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu với thời hạn của giấy phép là 5 năm.
Xử phạt hành vi bán xăng dầu cao hơn giá niêm yết
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 15 Luật Giá 2012 có quy định rõ Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Phân đạm; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Dựa vào quy định trên thì Xăng, dầu thành phẩm thuộc danh mục bình ổn giá. Bên cạnh đó, cũng tại Khoản 5 Điều 12 Luật Giá 2012 cũng nêu rõ trách nhiệm của đơn vị khi niêm yết giá như sau:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;
- Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
Từ những quy định trên có thể thấy rằng việc bán giá cao hơn giá niêm yết là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, việc xử phạt áp dụng theo Điều 12 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BTC năm 2016 hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn do Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm nêu trên, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.