Như thông tin anh nêu, thỏa thuận trong hợp đồng là giao hàng A, còn nhà thầu thì giao hàng A' - sai quy cách, chất lượng - điều này đã là hành vi vi phạm hợp đồng (nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác).
Trường hợp này thì đơn vị có thể lập biên bản với người giao nhận hoặc người làm bản nghiệm thu hoặc người có thẩm quyền khác của nhà thầu để xác định rõ phần vi phạm của nhà thầu là như thế nào, cách thức xử lý.
Anh cần lưu ý rằng quan hệ của hai bên ở đây là quan hệ thương mại (mua bán hàng hóa), việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu chỉ là để tìm kiếm xem sẽ ký hợp đồng (sẽ mua hàng) với ai. Do đó, hợp đồng này cũng sẽ chịu sự điều chỉnh chung của Luật Thương mại 2005 cũng như Bộ luật dân sự 2015.
Và theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì nếu như nhà thầu vi phạm hợp đồng, họ sẽ phải bồi thường theo thiệt hại mà họ gây ra; còn việc phạt vi phạm hợp đồng thì cần phải có quy định cụ thể trong HĐ thì mới phạt được:
Luật Thương mại 2005
Điều 34. Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa
1. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
Điều 302. Bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Điều 300. Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo đó, nếu như trong hợp đồng có ghi nhận mức phạt thì đơn vị anh có thể phạt theo hợp đồng, đồng thời yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại (nếu có), trường hợp không có quy định phạt thì đơn vị chỉ có thể yêu cầu bồi thường.
Cập nhật bởi linhtrang123456 ngày 29/02/2020 07:34:49 SA