Ngày 03 tháng 06 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 5760/VPCP-NC về xử lý các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà lãnh đạo.
Nội dung tóm tắt như sau:
"Thời gian gần đây xuất hiện một số cá nhân liên hệ công tác với các Bộ, cơ quan, địa phương tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà của các đồng chí lãnh đạo để nhờ hỗ trợ, can thiệp một số việc liên quan.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đề cao cảnh giác, không để các đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định pháp luật; trong xử lý công việc thực hiện dụng quy định, không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ; trường hợp phát hiện có dấu hiệu khả nghi, yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định"
Vấn đề ở đây là tại sao người dân mặc dù không có mối quan hệ thấn thích với lãnh đạo nhưng vẫn cứ nhận mình là người thân? Họ làm vậy để được gì?
Nguyên nhân của việc vi phạm này bắt nguồn từ công tác hoạt động của cơ quan Nhà nước, làm việc gì cũng cậy thế cậy quyền, sách nhiễu người dân mà hễ cứ nghe đến “quan hệ với lãnh đạo” thì lại bắt đầu nhiệt tình. Như vậy thì ngại gì mà người dân không “xưng ta” để công việc được suông sẻ.
Thiết nghĩ, về vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền cần nhận lỗi về mình chứ không thể quy trách nhiệm cho người dân trước được.