Khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ - Ảnh minh họa
Nhiều người sử dụng lao động cho rằng doanh nghiệp của mình nhỏ, sử dụng ít lao động nên không cần thực hiện khám sức khỏe cho người lao động, tuy nhiên pháp luật có ràng buộc thực hiện việc này hay không?
Trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ
Quy định về việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo Bộ luật lao động 2012 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Khoản 2 Điều 152 BLLLĐ 2012:
“2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.”
Khoản 1 Điều 21 Luật ATVSLĐ 2015:
“Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Theo đó, việc tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần trong 1 năm là nghĩa vụ bắt buộc dối với người sử dụng lao động, nhằm đảm bảo điều kiện lao động chứ không phải là một chính sách ưu đãi hay phúc lợi cho người lao động.
Khoản 2 Điều 3 BLLĐ 2012 cũng chỉ ra:
“Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”
Điều này có nghĩa bất kỳ người nào có thực hiện việc thuê mướn, ký hợp đồng để sử dụng lao động cũng đều có nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe cho người lao động của mình.
Tại Bộ luật lao động 2019 sắp có hiệu lực, sẽ không có điều luật quy định trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe vì nội dung này đã được quy định chi tiết trong Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Chi tiết hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, nội dung khám sức khỏe) phân loại sức khỏe và điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện khám sức khỏe thực hiện theo Thông tư 14/2013/TT-BYT.
Xử phạt vi phạm
Hiện nay, các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động thực hiện theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, trong đó Khoản 2 Điều 21 quy định:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám.”
Điều này có nghĩa, với mỗi người lao động không được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, người sử dụng lao động bị phạt tối đa 3 triệu đồng, (trừ trường hợp người lao động từ chối khám).
Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 75 triệu đồng.
Như vậy, mỗi người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ của mình ít nhất 1 lần mỗi năm, với 1 số đối tượng NLĐ đặc biệt như phụ nữ có thai, người chưa thành niên thì phải được khám 6 tháng 1 lần. Đây là trách nhiệm và sẽ bị xử phạt nếu không tuân thủ.
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 11/12/2020 03:56:23 CH