10h sáng nay (25/4), sau hơn 2 ngày xét xử và nghị án, HĐXX phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM đã tuyên ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"
(1) Tổng quan vụ việc
Tòa án nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Vì vụ lợi cá nhân, các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm tới tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, cần phải xử lý nghiêm minh.
Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ chứng cứ, kết quả xét xử công khai tại tòa, có đủ cơ sở xác định, trong khoảng thời gian 2019-2020, các bị cáo đã thông qua môi giới cho 4 cá nhân vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Bên vay được yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần dự án, lập cam kết bán/mua lại tài sản sau mỗi 3 tháng tương ứng với số tiền vay cộng với tiền lãi của 3 tháng để che giấu việc cho vay.
Tuy nhiên, khi bên vay chuẩn bị đầy đủ tiền để trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận thì các bị cáo lấy lý do để từ chối nhận tiền và không trả lại tài sản. Qua đó, các bị cáo chiếm đoạt tài sản là giá trị tài sản (theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự TPHCM) trừ đi phần tiền gốc các bị hại đã vay.
Bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Đối với 2 bị cáo Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích, HĐXX nhận định 2 con gái của bị cáo Thanh là đồng phạm giúp sức có vai trò hạn chế, làm theo yêu cầu của bố.
HĐXX cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, đã vận động gia đình nộp hơn 183 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội trong quá trình điều hành doanh nghiệp, bị cáo Thanh đã trên 70 tuổi... Bị cáo Bích không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
(2) Tòa tuyên án ông Trần Quí Thanh và 2 ái nữ
Về trách nhiệm dân sự
Tòa tuyên huỷ các hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị cáo và bị hại, ông Hoàng phải trả cho bị cáo Thanh 115 tỷ đồng đã nhận; huỷ các hợp đồng chuyển nhượng, cam kết bán lại và các văn bản liên quan; buộc người môi giới phải trả lại 3 tỷ đồng đã nhận từ bị hại.
Đối với bị hại Nguyễn Huy Đông, tòa buộc ông này trả lại cho bị cáo Thanh 78 tỷ đồng; huỷ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên đã ký, cam kết bán lại và các giao dịch khác.
Tương tự, bị hại Nguyễn Văn Chung phải trả lại bị cáo Thanh 34 tỷ đồng sau khi trừ đi thuế phí; huỷ hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất đã sang tên cho Trần Uyên Phương và các văn bản có liên quan; buộc các môi giới trả cho ông Chung 1,4 tỷ đồng phí đã nhận.
Về việc đại gia Đặng Thị Kim Oanh yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 530 tỷ đồng thiệt hại do mất cơ hội kinh doanh đối với hai dự án bị chiếm đoạt, HĐXX cho là không có cơ sở.
Đối với việc bà này vay của ông Thanh 500 tỷ đồng, tòa buộc trả lại cho bị cáo hơn 235 tỷ đồng nợ gốc; huỷ các hợp đồng giao kết giữa các bị cáo, tổ chức có liên quan về việc chuyển nhượng cổ phần tại hai dự án Minh Thành và Chơn Thành; giao trả lại toàn bộ giấy tờ hồ sơ cho bà Oanh.
Đối với số tiền 183 tỷ đồng vợ ông Thanh đã nộp khắc phục thiệt hại, HĐXX tuyên trả lại.
HĐXX của TAND TP.HCM tuyên án ông Trần Quí Thanh
Về trách nhiệm hình sự
HĐXX của TAND TP.HCM đã tuyên án ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát) 8 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
TAND TP.HCM bà Trần Uyên Phương (cựu Phó Giám đốc) 4 năm tù và bà Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, TAND TP.HCM còn tuyên phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng.
(3) Ông Trần Quí Thanh là ai?
Như vậy, phiên tòa xét xử ông Trần Quí Thanh đã kết thúc sau gần 1 năm điều tra và xét xử.
Ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, được giới thiệu tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau này, ông nhận bằng tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Southern California University (Mỹ).
Tân Hiệp Phát là công ty sản xuất đồ uống, nước giải khát... quy mô lớn của Việt Nam. Công ty này vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu tới hơn 16 quốc gia. Theo công bố của doanh nghiệp, trong ba năm qua dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Công ty Tân Hiệp Phát vẫn đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách.
Ông Trần Quí Thanh
Năm 2018, lần đầu tiên ông Trần Quí Thanh hé lộ về việc mở thêm hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Sau giai đoạn đó, truyền thông ghi nhận Tân Hiệp Phát đã thành lập 11 doanh nghiệp với số vốn điều lệ khoảng 19.000 tỷ đồng để tham gia vào mảng địa ốc. Quỹ đất tập đoàn được ghi nhận ở một số tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.
Năm 2019-2020, Tân Hiệp Phát và các lãnh đạo tập đoàn đã thực hiện đấu giá và trúng đấu giá nhiều lô đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tháng 12/2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất gần 8ha tại khu An Hải, An Hội, huyện Côn Đảo với giá đấu 537,33 tỷ đồng (giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng).
Năm 2020, ông Trần Quí Thanh trúng đấu giá một khu đất gần 2ha ở phường 10, ngay trung tâm TP Vũng Tàu với giá đấu 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng. Con gái ông Thanh là bà Trần Ngọc Bích cũng trúng đấu giá 2 khu đất gần 3ha ở huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ vào tháng 2 và tháng 3/2020.
Ông Trần Quí Thanh bị bắt vào ngày 10/4/2023. Trước khi bị bắt ông là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
(Nguồn tổng hợp)