"Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu… Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau… Trái tim cho nhau nơi về nương náu… Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều…" Đó là một trong những dòng ca từ tuyệt đẹp của Trịnh Công Sơn khi viết về tình yêu và cũng là những lời được viết bởi một trái tim đa tình của người nghệ sĩ tài hoa vào bậc nhất của âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc viết ra như để trả nợ cho những mối tình dở dang, gửi lại những gót hồng đã vội lướt về chốn xa vời …
"Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi…"
Nhắc đến "Ướt mi" và "Thương một người", người yêu nhạc Trịnh Công Sơn không thể quên một giọng hát u hoài, liêu trai của nữ ca sĩ Thanh Thuý. Cô ca sĩ nhỏ bé, có đời sống tâm hồn đầy suy tư và trắc ẩn đã hát say sưa như rút ruột gan mình cũng bởi những bài ca tuyệt vời ấy Trịnh Công Sơn dành tặng riêng cô.
Một "Ướt mi" mang nỗi hoài niệm day dứt trong một đêm mưa tháng 7 dai dẳng, lạnh lẽo, cô quạnh và "Thương một người" buồn đến não lòng, da diết đến xót xa… đều được Thanh Thuý hát bằng tất cả trái tim mình. Mối tình trong trắng và mãnh liệt giữa Trịnh Công Sơn và Thanh Thuý đã nuôi dưỡng cho hai tài năng âm nhạc này những cảm xúc tinh tế và sự thăng hoa trong từng ca khúc. Hình ảnh cái ngõ tối trong xóm lao động nghèo nơi Thanh Thuý vẫn đi về mỗi ngày không ngờ lại ám ảnh người nghệ sĩ nhiều đến thế để rồi những ca từ ngọt ngào, da diết cứ thế trào ra. Mỗi lần chia tay nhau, mỗi lần tiễn nàng về là một lần cái ngõ tối tăm sâu hun hút ấy lại làm nhạc sĩ chạnh lòng, một nỗi niềm thương cảm, xót xa khi người con gái ấy đang rời xa vòng tay yên bình của tình yêu trở về với cuộc sống đời thực đầy bon chen, lo lắng.
Một sự kết hợp tuyệt vời trong âm nhạc và tình yêu đã đưa tên tuổi của Thanh Thuý đến gần hơn với công chúng yêu nhạc và cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai con người tài năng, đa tình ấy đã đem đến những tác phẩm nghệ thuật bất hủ.
"Màu nắng hay là màu mắt em?"
Nhắc đến ca sĩ Hà Thanh, thời đó nhiều người biết đến chị như một người bạn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng chẳng mấy ai biết "tác nhân" để có một "Nắng thuỷ tinh" trong veo, "Nhìn những mùa thu đi" đầy tiếc nuối, "Gọi tên bốn mùa" rất thánh thiện lại là em gái của nữ ca sĩ nổi danh một thời này.
Hồi đó, trong bốn năm người em gái của Hà Thanh thì P.T là cô gái có vẻ đẹp thanh cao, thánh thiện khiến bao kẻ si tình say mê. Trịnh Công Sơn là một trong những anh chàng si tình ấy nhưng chưa bao giờ dám tỏ tình để biết đâu sẽ được người đẹp gật đầu?!? Chỉ âm thầm mà ám ảnh viết tặng riêng cho nàng những dòng ca từ đẹp xuất phát từ một tình cảm đẹp. Vẻ trắng trong và thánh thiện của người con gái Huế đã ám ảnh tâm hồn người nghệ sĩ nhạy cảm để thăng hoa trong những sáng tác của mình.
"Diễm của những ngày xưa"
Một trong những ca khúc đến giờ vẫn được nhiều người thích nhất của Trịnh Công Sơn đó là "Diễm xưa". Và cuộc tình gây nhiều tò mò đối với nhiều người cũng là chuyện yêu đương của nhạc sĩ họ Trịnh với người con gái Huế Bích Diễm. Với riêng người con gái này Trịnh Công Sơn không chỉ dành tặng nàng một ca khúc khiến nhiều người phải ghen tị mà Bích Diễm còn xuất hiện trong những dòng tản văn đầy cảm xúc của tác giả "Diễm xưa".
Người con gái dáng vẻ mong manh rảo những bước chân "thong thả hoàng cung" đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt đã thu hút ánh mắt đa tình của người nghệ sĩ. Đã bao ngày cô sinh viên văn khoa ấy vẫn lặng lẽ bước "qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để rồi đến một nơi hẹn hò". Thế nhưng, "hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì" để rồi người nghệ sĩ mãi ôm một mối tình đơn phương, tuyệt vọng. Và khi, người con gái ấy đã ở "một nơi rất xa", đã có "một đời sống khác" thì những giai điệu tha thiết của "Diễm xưa" đã vang lên da diết: "Chiều nay còn mưa sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi… Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau…" Nhưng dẫu có đi đến tận cùng tuyệt vọng "để hồn xanh buốt cho mình xót xa" thì trái tim tràn ngập yêu thương vẫn biết một điều "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!"
"Gọi tên em mãi suốt cơn mê này…"
"Hạ trắng" lạ từ nhan đề, ca từ và cả sự ra đời của ca khúc rất đặc sắc này nữa. Có một mùa hạ ở Huế, ve râm ran kêu, nắng nóng, oi bức, gió Lào ngột ngạt, mặt đường gần như bốc khói… cũng là một mùa hạ Trịnh Công Sơn mê man bởi một cơn sốt nặng. Ngờ đâu, chính cơn mê sảng ấy đã làm nên một "Hạ trắng" bất hủ!
Trong cơn mê man, chìm đắm Trịnh Công Sơn bỗng thấy cả căn phòng ngập tràn hương thơm và lạc vào một rừng hoa trắng ngào ngạt. Khi vừa dứt cơn mơ, mở mắt ra nhạc sĩ đã thấy một người con gái nào đó mang cho mình những bông hoa dạ lý thơm ngát và trắng muốt. Và giấc mơ lạ, người con gái đẹp đã mang đến những cảm xúc ban đầu để Trịnh Công Sơn viết lên những dòng ca từ mê sảng mà ám ảnh " Gọi nắng… cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay… Gọi nắng… cho tóc em cài loài hoa nắng rơi…"
Và ca khúc ấy được chắp thêm những cảm xúc mới, sâu sắc và triết lý hơn khi Trịnh Công Sơn bắt gặp một tình yêu đẹp và những tình cảm quá thiêng liêng, đáng trân trọng của hai cụ già đã ám ảnh Trịnh Công Sơn, thôi thúc nhạc sĩ viết lên những nốt nhạc tuyệt vời "áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau!"
"Biển nhớ tên em gọi về"
Một trong những cuộc hành trình giữa "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn đó là khoảng thời gian nhạc sĩ vào Quy Nhơn (vì hoàn cảnh thời cuộc lúc đó) đã làm nên một "Biển nhớ" đầy tâm trạng bâng khuâng, da diết. Biển Quy Nhơn lãng mạn cùng với người con gái đẹp mang tên Bích Khê đã gợi cảm xúc để người nhạc sĩ tài hoa có được một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo "Biển nhớ". Từng lớp sóng biển dạt dào, lấp lánh giữa ánh đèn đêm và vẻ đẹp mặn mà, xinh xắn của người con gái vùng biển đã khiến trái tim nhạy cảm và tinh tế của Trịnh Công Sơn lo âu dự cảm về những ngày sắp tới liệu rằng: "Ngày mai em đi biển có bâng khuâng gọi thầm?… Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê?…" Hai chữ "Sơn Khê" trong lời bài hát vẫn được "tương truyền" là một cách ghép tên khéo léo, một lời tỏ tình kín đáo mà Trịnh Công Sơn đã dành cho Bích Khê.
"Người tình" trong âm nhạc
Cho tới tận bây giờ, Khánh Ly vẫn được xem là người hát nhạc Trịnh số một trong lòng đa số người yêu thích những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đó là một giọng ca da diết, lạ lùng; tiếng hát như huyền thoại thu hút hồn người; lời ca đầy tâm trạng của Khánh Ly mang nỗi buồn lênh đênh, quay quắt khiến người nghe ngây ngất, rã rời. Chuyện tình yêu giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cũng giống như một dấu hỏi không có lời giải đáp, một bí mật khiến bao người tò mò. Chỉ biết rằng sự gặp gỡ giữa họ giống như là định mệnh để rồi âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ đó đã tìm được tri kỷ của mình, và "cô gái Đà Lạt" chân ướt chân ráo đến Sài Gòn bỗng trở thành thần tượng của bao người. Bao giọng ca tìm đến nhạc Trịnh với tham vọng tạo nên một sự phá cách nhưng chưa ai vươn tới được sự đồng điệu, tri kỷ, cộng hưởng kỳ diệu thậm chí là "thần thánh" giữa hai con người, hai tâm hồn, hai nghệ sĩ tài năng trong âm nhạc là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Dòng bút tích cuối cùng trước khi "về làm cát bụi" Trịnh Công Sơn có viết rằng: "Có một điều gần như không thay đổi là mùa xuân nào cũng thấy bạn bè vây quanh, chỉ khuôn mặt tình yêu là không như cũ", sau tất cả những đắm say, cuồng nhiệt… chỉ còn lại sự cô đơn của một người "yêu rất nhiều mà không hề yêu riêng ai", ngậm ngùi "ngồi hát một mình". Những mối tình rồi "như cánh vạc bay", "từng người tình" rồi cũng bỏ ra đi "như những dòng sông nhỏ"… nhưng dẫu có đi đến tận cùng tuyệt vọng, người nhạc sĩ tài hoa ấy vẫn mang đến cho cuộc đời bức thông điệp tình yêu:
"Hãy yêu khi đời mang đến
Một nhành hoa giữa tâm hồn!"