Còn không bao lâu nữa thì chúng ta lại cùng nhau chào đón một mùa xuân mới lại về. Tết đến, xuân về trong lòng ai cũng hân hoan với những câu chuyện xung quanh nồi bánh chưng, gia đình xum họp chúc tết ông bà, hội họp bạn bè, chơi xuân vui tết...và có một điều khi nhắc đến tết ai cũng nghĩ ngay đến đó là việc LÌ XÌ.
Đi ngược dòng thời gian chúng ta trở về với phong bao lì xì của tết xưa, ngày trước việc lì xì được xem như là một điều may mắn đầu năm mà người lớn muốn dành cho trẻ nhỏ nhằm cầu mong cho chúng được may mắn cả năm, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Phong bao lì thường là bao lì xì màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, đỏ cả năm, số tiền trong bao lì xì không ai bàn đến, đó có thể là một số tiền nhỏ tượng trưng cho tài lộc ngày tết mà thôi.
Bọn trẻ ngày xưa mong mỏi nhất và vui nhất khi tết đến là được bố mẹ sắm cho quần áo mới, sắm cho đôi giày mới để mang vào đi chúc tết ông bà, để khoe cùng chúng bạn, việc được lì xì không một ai quan tâm đến giá trị của bao lì xì đó bên trong chứa đựng giá trị là bao nhiêu bởi với người xưa và bọn trẻ của tết xưa bao lì xì đỏ là lộc đầu năm, là sự may mắn mà người lì xì cầu chúc cho người được lì xì và họ vui vẻ đón nhận.
Chúng ta trở về với tết nay, khi đời sống con người được nâng cao hơn, giá trị vật chất cũng dần thay đổi và việc lì xì ngày tết cũng khác xưa, cả về hình thức bề ngoài lẫn cả giá trị bên trong.
Nếu như ngày xưa bao lì xì thường là màu đỏ để tượng trưng cho sự may mắn, đỏ cả năm, thì ngày nay, bao lì xì được thiết kế với nhiều màu sắc bắt mắt xanh đỏ tím vàng...và ghi lên đó những câu nói theo trào lưu giới trẻ, có thể ví dụ cụ thể như: “Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn là con nít vẫn ưa lì xì”, “Năm Tuất là phải truất”, “Em sai rồi anh lì xì em đi”... Nếu như ngày xưa việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nhằm chúc cho bọn trẻ được mọi điều may mắn, người ta không quan tâm đến giá trị của phong bao lì xì thì ngày nay, người lớn xì lì trẻ nhỏ như một “nghĩa vụ hoàn trả”. Nói như vậy có vẻ hơi khó hiểu, chúng ta có thể hiểu đơn giản như thế này: ngày tết ngoài ông bà, cha mẹ lì xì cho con cái thì cô chú, cậu dì, họ hàng, bạn bè trong mối quan hệ làm ăn cũng lì xì cho con của anh em, con của cháu, con của đồng nghiệp, con của hàng xóm, con của người quen, con của các mối quan hệ.... Và vấn đề nằm ở đây. Khi lì xì người lì xì phải nghĩ đến việc lì xì bao nhiêu tiền thì vừa, người ta lì xì cho con mình bao nhiêu, mình lì xì trả lại bao nhiêu, lì xì con sếp bao nhiêu, lì xì con đồng nghiệp bao nhiêu, lì xì cháu bao nhiêu... Và đến những đứa trẻ cũng hỏi nhau tết này được lì xì bao nhiêu tiền. Bấy nhiêu chữ “bao nhiêu” đó vô hình chung đã làm cho câu chuyện lì xì với ý nghĩa của ngày xưa không còn nữa mà thay vào đó việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ như một hình thức chuyển tiền từ túi mình sang cho con của người khác, tiền từ túi người khác cho con mình, con nhận bao nhiêu cha mẹ trả lại bấy nhiêu. Và không chỉ có người lớn quan tâm đến giá trị của bao lì xì mà đến cả trẻ nhỏ cũng quan tâm đến, sắc thái vui ít vui nhiều biến động tỉ lệ thuận với giá trị của phong bao lì xì.
Nếu như ngày xưa sau khi tết xong trẻ em khui bao lì xì tập hợp lại số tiền được nhận lì xì cũng không đáng là bao thì ngày nay cũng với số tiền lì xì đó người ta đã phải đặt ra vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân liên quan đến số tiền này.
Chợt chạnh lòng khi thấy những giá trị truyền thống xưa dần mai một và mất dần đi và thay vào đó là sự chi phối của đồng tiền. Ngày nay đời sống của chúng ta được nâng lên, những giá trị xưa cũng dần thay đổi để phù hợp hơn với đời sống hiện đại thế nhưng trong mỗi con người Việt Nam nên giữ lại cho mình đôi nét đáng trân quý của những điều truyền thống của tết xưa.