Dạo gần đây, vụ việc đổi tờ 100USD tại tiệm vàng ở Cần Thơ đã khiến cho dư luận xôn xao, vì có quá nhiều vấn đề khúc mắc trong vụ việc này. Trong khi người giữ tiền đổi và người đổi tiền đã chấp nhận chịu phạt, thì vấn đề lại xuất hiện đó là khi cơ quan chức năng lại tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng và được chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Trong khi vụ việc đang xử lí vi phạm là đối với việc đổi ngoại tệ không đúng thẩm quyền.
Việc tịch thu được xem là hình thức xử phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính là Phạt tiền. Theo quy định tại điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
"Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này."
Đồng thời, tại điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc khi áp dụng hình thức bổ sung này như sau:
"Việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;
b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu."
Tuy nhiên trong trường hợp này, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo thì có liên quan trực tiếp gì đến việc đổi 100USD? Vậy nên hiểu quy định về tịch thu của pháp luật như thế nào cho đúng?