Trước 18/12/1980 Việt Nam chưa có Luật dân sự và Luật đất đai, cho nên việc quản lý đất đai không theo trình tự, thủ tục thống nhất trên phạm vi cả nước mà tùy theo "tư duy" của từng địa phương. Ở Miền Bắc, tôi từng tận mắt thấy sổ mục kê lập từ năm 1960. Ở Miền Nam, dĩ nhiên Sổ mục kê có từ sau 30/4/1975, cụ thể là sau lần kiểm tra kê khai đăng ký nhà đất đầu tiên vào năm 1977. Đối chiếu giai đoạn trước 05/11/1981 thì hầu như địa phương nào cũng có sổ mục kê để quản lý đất đai nhưng mỗi nơi mỗi kiểu, không địa phương nào giống địa phương nào, có nơi có ký tên đóng dấu, có nơi thì không, có nơi ghi chép chi tiết, có nơi chỉ ghi chép ngắn gọn..v..v.. Chính vì vậy mới có QĐ 56/ĐKTK ngày 05/11/1981 của Tổng cục quản lý ruộng đất chủ yếu để thống nhất lại mẫu sổ mục kê trên toàn quốc chứ không phải bắt đầu từ thời điểm này mới có sổ mục kê.
Tại khoản 1 điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP qui định sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước ngày 15/12/1980 là giấy tờ khác về QSDĐ, vậy ai có tên trong các Sổ này là được. Luật qui định nhiều loại giấy tờ là giấy tờ về QSDĐ để ai thuộc trường hợp nào thì áp dụng trường hợp đó vì đặc điểm lịch sử đất nước bị chia cắt thời chiến tranh nên mỗi Miền có những giấy tờ khác nhau, ví dụ điểm e khoản 1 điều 100 Luật đất đai hiện hành qui định giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp cũng là giấy tờ về quyền sử dụng đất, "chế độ cũ" trong trường hợp này được hiểu là chế độ Việt Nam cộng hòa ở Miền Nam, xa hơn là Chế độ thời Pháp thuộc, vậy nên ở Miền Bắc dĩ nhiên không có thửa đất nào có giấy tờ về quyền sử dụng đất do chế độ Việt Nam cộng hòa cấp, cũng như ở Miền Nam không thể có người nào có tên trong Sổ mục kê vào năm 1960 (cũng trước 15/12/1980 theo Luật định).
Vài lời trao đổi cùng bạn. Trân trọng.
Cập nhật bởi TranTamDuc.1973 ngày 15/12/2018 12:44:25 CH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557
231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM