35 toà án nhân dân cấp huyện có quy mô xét xử dưới 200 vụ một năm sẽ được thí điểm sáp nhập với biên chế dưới 8 người.
Sáng 17.12, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải thể các Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) và huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) để sáp nhập vào Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long sau khi 2 huyện Kỳ Sơn và Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hoàn toàn ủng hộ đề án của Chính phủ và các địa phương trình vì sáp nhập là hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Chánh án nêu rõ “Đề án này đang được báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính, Ban Cải cách tư pháp Trung ương và tới đây báo cáo cấp cao hơn”.
Chánh án cho hay, trong khi Toà án ở TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ không có người làm việc thì ở 160 Tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên biên chế 8 người nhưng không có việc. Khi thí điểm sáp nhập tòa cấp huyện có quy mô án dưới 200 vụ mỗi năm, biên chế dôi dư sẽ được chuyển cho những nơi có nhu cầu để giảm áp lực công việc.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chánh án Toà tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chú ý sắp xếp nhân sự sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp. Ví dụ, khi huyện Kỳ Sơn nhập vào thành phố Hòa Bình, tòa án huyện Kỳ Sơn sẽ phải giải thể, nhập vào tòa án thành phố Hòa Bình. Nhân sự khi đó phải được xem xét lại.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, riêng việc sáp nhập cấp huyện không những tinh gọn bộ máy mà còn tinh gọn được cả bộ máy tư pháp (viện, tòa); hệ thống ngành dọc các bộ như kho bạc, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội… Điều này góp phần tinh gọn bộ máy nhiều hơn.
Theo Tạp chí Tòa án