Điều kiện hoạt động và việc đăng ký phương tiện thủy nội địa quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi bởi Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014).
1. Điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa
Phương tiện thủy nội địa theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa và theo quy định tại Điều 24 Luật này (được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) quy định điều kiện của phương tiện khi hoạt động trên đường thủy nội địa như sau:
- Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người bảo đảm:
+ Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật này;
+ Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
+ Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.
- Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người bảo đảm:
+ Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật này;
+ Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện.
- Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người bảo đảm:
+ Phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa;
+ Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở;
+ Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;
+ Phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
+ Phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25mm, chiều dài 250mm nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100mm đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200mm đối với phương tiện chở người.
- Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè phải bảo đảm thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở.
Như vậy, để được phép hoạt động trên đường thủy nội địa thì tùy thuộc vào từng loại phương tiện khác nhau theo quy định trên mà điều kiện để hoạt động cũng khác nhau đồng thời phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.
2. Quy định đăng ký phương tiện thủy nội địa
Tại Điều 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi bởi Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) quy định việc đăng ký phương tiện thủy nội địa như sau:
- Phương tiện có nguồn gốc hợp pháp, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.
- Phương tiện của tổ chức, cá nhân được đăng ký tại nơi chủ phương tiện đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
- Phương tiện phải đăng ký lại khi thuộc vào một trong các trường hợp sau:
+ Chuyển quyền sở hữu;
+ Thay đổi tên, tính năng kỹ thuật;
+ Trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác;
+ Chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa.
- Chủ phương tiện phải khai báo để xoá tên và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho cơ quan đã đăng ký phương tiện trong các trường hợp sau:
+ Phương tiện bị mất tích;
+ Phương tiện bị phá huỷ;
+ Phương tiện không còn khả năng phục hồi;
+ Phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài.
- Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa được miễn đăng ký phương tiện.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định và tổ chức đăng ký phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký.
Như vậy, việc đăng ký phương tiện thủy nội địa thực hiện theo quy định nêu trên. Quy định chi tiết về việc đăng ký phương tiện thủy nội địa được quy định tại Thông tư 75/2014/TT-BGTVT (trừ trường hợp đăng ký phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an).