Quy định mới nhất về chế độ lao động của người bị phạt tù

Chủ đề   RSS   
  • #617180 07/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Quy định mới nhất về chế độ lao động của người bị phạt tù

    Bạn có bao giờ tò mò về cuộc sống bên trong trại giam không? Một trong những hoạt động chính của phạm nhân là lao động, vậy chế độ lao động của họ được quy định như thế nào?

    >>> Xem Nghị định 118/2024/NĐ-CP https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/07/118-cp.signed.pdf

    (1) Chế độ lao động của người bị phạt tù

    Lao động là một phần không thể thiếu trong quá trình cải tạo của người bị phạt tù. Tại các cơ sở giam giữ, phạm nhân được tổ chức lao động với mục tiêu vừa là hình thức cải tạo giúp họ trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa là cơ hội để họ học hỏi kỹ năng và chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra tù.

    Vậy chế độ lao động của những người phạm nhân này được quy định như thế nào? Họ có phải lao động khắc nghiệt hơn những người lao động trong xã hội không? Đây chắc hẳn cũng là thắc mắc của nhiều người.

    Ngày 30/9/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự, trong đó có các quy định mới nhất về chế độ lao động cho phạm nhân.

    >>Xem Nghị định 118/2024/NĐ-CP https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/07/118-cp.signed.pdf

    Theo đó, tại khoản 1 Điều 16 Nghị định có quy định về chế độ lao động cho phạm nhân như sau:

    Thời gian lao động:

    Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam.

    Thời gian lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày Chủ nhật, lễ, Tết.

    Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu lao động học nghề, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật lao động, đó là: không quá 02 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và không quá 200 giờ trong 01 năm.

    Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

    Bố trí công việc:

    Không bố trí công việc nặng nhọc, độc hại theo danh mục do pháp luật quy định đối với các trường hợp:

    - Phạm nhân là nam từ 60 tuổi trở lên;

    - Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;

    - Phạm nhân là nữ;

    - Phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe (mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần);

    Trường hợp được nghỉ lao động:

    Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật.

    Phạm nhân bị bệnh, phạm nhân đang điều trị tại bệnh xá hoặc bệnh viện, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh và được y tế của trại giam xác nhận thì cũng sẽ được nghỉ lao động.

    Như vậy, có thể thấy, Nghị định 118/2024/NĐ-CP đã quy định rất rõ ràng về chế độ lao động của phạm nhân chấp hành hình phạt tù.

    Theo đó, thời gian lao động của phạm nhân được quy định tối đa là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần, hoàn toàn không khắc nghiệt hay khó khăn hơn so với người lao động ngoài xã hội. Họ cũng sẽ được bố trí nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật khi lao động thêm giờ hoặc lao động vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật.

    Ngoài ra, các công việc nặng nhọc sẽ được bố trí hợp lý theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của phạm nhân. Trường hợp đặc biệt như thai sản, bệnh tật cũng sẽ được bố trí nghỉ lao động để đảm bảo sức khỏe của phạm nhân.

    Có thể thấy, các quy định về chế độ lao động cho phạm nhân ngoài việc bảo vệ sức khỏe của phạm nhân còn thể hiện tính nhân văn trong chính sách cải tạo đối với họ.

    Nhà nước không chỉ bảo vệ quyền lợi của họ mà còn tạo điều kiện vào quá trình cải tạo hiệu quả, cho họ thêm một cơ hội để trở thành công dân có ích cho xã hội trong tương lai.

    (2) Lập kế hoạch lao động, học tập hằng năm

    Một kế hoạch lao động, học tập không chỉ giúp phạm nhân có định hướng rõ ràng trong quá trình cải tạo mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, hướng nghiệp tại các cơ sở giam giữ.

    Do đó, việc lập kế hoạch lao động, học tập hàng năm cho phạm nhân là một hoạt động vô cùng quan trọng trong quá trình cải tạo.

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 118/2024/NĐ-CP, giám thị trại giam căn cứ theo điều kiện cụ thể của trại giam và quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 118/2024/NĐ-CP thực hiện:

    - Lập kế hoạch tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân;

    - Gửi Kế hoạch về Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý);

    - Thời hạn gửi Kế hoạch là trước ngày 15/8 hằng năm để thẩm định, phê duyệt;

    - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch tổ chức lao động hằng năm của trại giam.

    Theo đó, Kế hoạch tổ chức lao động hằng năm cho phạm nhân phải có các nội dung cơ bản sau đây:

    - Tổng số phạm nhân, trong đó có số lượng phạm nhân đủ điều kiện lao động theo quy định của pháp luật;

    - Dự kiến chi phí cho lao động, học nghề; trích khấu hao tài sản cố định;

    - Dự kiến kết quả thu được từ lao động, học nghề của phạm nhân; chênh lệch thu, chi trong tổ chức lao động, học nghề của phạm nhân;

    - Dự kiến, đề xuất kế hoạch sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân theo quy định tại Điều 17 Nghị định 118/2024/NĐ-CP.

    Có thể thấy, việc tổ chức lao động, học tập cho phạm nhân cũng phải được lập kế hoạch chi tiết hằng năm và phải được người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

    Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là một hoạt động hành chính mà còn là một phần thiết yếu trong quá trình cải tạo. Kế hoạch lao động, học tập chính là cầu nối giữa quá trình cải tạo và sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của phạm nhân, hướng tới một xã hội an toàn và văn minh hơn.

    >>Xem Nghị định 118/2024/NĐ-CP https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/07/118-cp.signed.pdf

     
    72 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận