Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Việt kiều (hay còn gọi là người Việt hải ngoại, người Việt Nam ở nước ngoài) là thuật ngữ dùng để chỉ người Việt định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/và quốc tịch của nước sở tại.
Theo số liệu của Học viện Ngoại giao năm 2012, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có trên 4 triệu người và phân bố không đồng đều tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Khi nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phát triển hơn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó một bộ phận ko nhỏ là những người con xa xứ đang định cư tại nước ngoài có mong muốn được quay trở lại sinh sống và làm việc, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vấn đề này pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?
1. Điều kiện xin hồi hương
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam (sau đây gọi là Quyết định số 875/TTg), mục I Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 06/TT-LT), điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ngày 28/11/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG), thì điều kiện để công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam là như sau:
a. Có Quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều kiện "Có quốc tịch Việt Nam" gồm hai trường hợp sau:
- Mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị do Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
- Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, thì phải có một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp;
+ Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
b. Thái độ chính trị rõ ràng: Hiện tại không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
c. Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương, bao gồm:
- Đảm bảo có nơi ở hợp pháp: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về khả năng tài chính để mua nhà ở sau khi hồi hương, hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo chỗ ở sau khi hồi hương.
- Có khả năng duy trì cuộc sống sau khi hồi hương: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về nguồn sống hoặc dự định về việc tìm kiếm việc làm sau khi hồi hương hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo cung cấp tài chính, nuôi dưỡng sau khi hồi hương.
d. Có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh:
- Cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước như: có vốn đầu tư, chấp nhận việc sử dụng trình độ học vấn hoặc tay nghề cao tại một cơ sở thuộc ngành hoặc địa phương,...
- Thân nhân đủ 18 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và người trong dòng tộc) bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu),...
Để được hồi hương, người xin hồi hương phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
2. Thủ tục hồi hương
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 875/TTg, mục II Thông tư liên tịch số 06/TT-LT, điểm 2 Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG, hồ sơ xin hồi hương gồm:
a. Đơn xin hồi hương (theo mẫu).
b. Bản chụp hộ chiếu, các giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và giấy tờ chứng minh được nước ngoài cho định cư, như giấy tờ cho phép cư trú vô thời hạn hoặc cư trú vĩnh viễn hoặc thường trú (gọi chung là giấy tờ định cư):
+ Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị:
- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;
- Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
+ Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài còn giá trị:
- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;
- Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
+ Đối với người xin hồi hương không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của Việt Nam hoặc của nước ngoài như nêu trên:
- Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
Bản chụp giấy tờ định cư phải do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận; bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, Giấy xác nhận đăng ký công dân, Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp người xin hồi hương trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thì không đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực, mà cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chụp, cán bộ đối chiếu phải ghi vào bản chụp đó "đã đối chiếu với bản chính" và ký, ghi rõ họ tên, ngày đối chiếu.
c. 03 ảnh cỡ 4x6 mới chụp, 02 ảnh dán vào đơn xin hồi hương, 01 ảnh ghi rõ họ tên (mặt sau) để phục vụ cho cấp giấy Thông hành (nếu được hồi hương).
d. Giấy tờ khác liên quan đến việc xin hồi hương, cụ thể:
+ Trường hợp được thân nhân bảo lãnh:
- Đơn bảo lãnh của thân nhân (theo mẫu).
- Giấy tờ chứng minh hoặc giải trình về mối quan hệ cùng dòng tộc với người bảo lãnh. Nếu là bản giải trình phải có xác nhận của UBND phường (hoặc xã) nơi người bảo lãnh thường trú.
- Giấy tờ chứng minh về khả năng đảm bảo cuộc sống sau khi hồi hương.
+ Trường hợp bạn được Cơ quan Việt Nam bảo lãnh: Cần có văn bản bảo lãnh (có ký tên, đóng dấu) của thủ trưởng cơ quan bảo lãnh đáp ứng các yêu cầu tại điểm d mục 1 nêu trên.
Hồ sơ xin hồi hương nộp tại một trong hai cơ quan sau:
a. Tại nước ngoài: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.
b. Tại Việt Nam: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Sở công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời hạn giải quyết việc hồi hương: trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an sẽ thông báo kết quả giải quyết hồ sơ xin hồi hương cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (qua Fax), Bộ Ngoại giao, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp nộp hồ sơ xin hồi hương tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Với trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước, các cơ quan nói trên sẽ thông báo cho thân nhân (người bảo lãnh) hoặc thông báo cho người hồi hương.
Trên đây là một vài quy định liên quan đến vấn đề hồi hương dành cho người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam sinh sống. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều quy định mới thuận lợi hơn hỗ trợ Kiều bào trở lại quê hương.