Đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích là một nguồn tài nguyên quý giá, Vậy, cơ quan nào có thẩm quyền lập phương án đấu giá để quyết định ai sẽ là người được sử dụng những mảnh đất này?
(1) Đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là phần diện tích đất được sử dụng vào các mục đích sau đây:
- Xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang và các công trình công cộng khác do Ủy ban nhân dân cấp xã đầu tư, quản lý, sử dụng; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
- Bồi thường cho người có đất thu hồi khi xây dựng các công trình quy định tại điểm a khoản này.
Theo đó, có thể hiểu, đất nông nghiệp chưa được sử dụng vào mục đích công ích là phần diện tích đất nông nghiệp hiện tại chưa được sử dụng để phục vụ cho các nhu cầu công cộng của địa phương.
Đây là những mảnh đất có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả.
(2) Cá nhân có được thuê đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích không?
Theo khoản 3 Điều 179 Luật Đất đai 2024 quy định, đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2024 thì UBND cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá.
Như vậy, đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích sẽ được đấu giá để cho cá nhân thuê.
Tuy nhiên cần lưu ý, theo quy định trên, việc đấu giá thuê phần diện tích đất này chỉ dành cho các đối tượng là cá nhân tại địa phương, tức người đang cư trú, có đăng ký thường trú tại địa phương có diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích đó được tham gia đấu giá thuê đất mà thôi.
Ngoài ra, thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê được quy định là không quá 10 năm.
(3) Phương án đấu giá QSDĐ nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích do cơ quan nào lập?
Theo quy định tại Điều 56 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, UBND cấp xã sẽ là cơ quan lập Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với phần đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích, sau đó trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định.
Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Trong đó hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và giá khởi điểm được xác định theo bảng giá đất hằng năm.
Pháp luật cho phép UBND cấp xã được thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 nhưng bảo đảm nguyên tắc thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản không được vượt quá 10% giá trị quyền sử dụng đất công ích cho thuê
Trường hợp không lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất công ích theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016
Khi kết thúc phiên đấu giá, người trúng đấu giá ký hợp đồng thuê đất với UBND cấp xã và nộp tiền thuê đất theo hợp đồng đã được ký kết.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền lập Phương án đấu giá QSDĐ nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích là UBND cấp xã có đất, và UBND xã cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức đấu giá QSDĐ cũng như ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất này.