Lâu nay, pháp luật thường được nhìn nhận dưới góc độ là những chế định có tính chất “quan phương” từ phía nhà nước hay nói cách khác pháp luật được hiểu một cách tổng thể là các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và được đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tồn tại một xu hướng tiếp cận pháp luật khác- xu hướng tiếp cận pháp luật dưới góc độ văn hóa. Mục đích của phương pháp này chính là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những quy tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho cả xã hội.
Pháp luật cũng là một dạng thức của văn hóa- văn hóa quy phạm. Khi pháp luật đặt trong một phạm trù rộng hơn là “văn hóa”, ta sẽ thấy rõ tính chất đa dạng, đa chiều của pháp luật.
Ví dụ như ở Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, người ta có đạo luật riêng về cái chết nhân đạo, cho phép áp dụng một cái chết nhẹ nhàng hơn đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được, để tránh cho người bệnh đau đớn và đỡ tốn kém tiền bạc. Trong khi đó ở Việt Nam và nhiều nước khác luật pháp và đạo đức đều không cho phép điều đó, thậm chí Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 còn trừng trị những người thực hiện hành vi này với tội danh xúi giục hoặc giúp người khác tự sát.
Ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, để có biện pháp giáo dục đối với một người đàn ông thường xuyên đánh vợ, Tòa án đã tuyên phạt ông ta một hình phạt là tặng hoa cho vợ mỗi tuần một lần trong vòng năm tháng để học cách tôn trọng cái đẹp. Ngoài ra, ông còn phải đọc một cuốn sách mỗi tháng, trong còng năm tháng về đề tài “quan hệ gia đình và giáo dục con cái” để biết cách làm thế nào để trở thành một ông chồng tốt.
Việc ôm, hôn khi gặp gỡ thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở trong giao tiếp ở nhiều nước Châu Âu là việc làm rất bình thường, nhưng nếu chúng ta sống ở Malaysia mà có hành động như vậy ở nơi công cộng thì đó là hành động bất hợp pháp và chúng ta có thể phải ngồi tù 1 năm để suy nghĩ về hành động mà nhìn bề ngoài rất chính đáng của mình.
Rất khác với văn hóa Việt Nam, luật của bang California ở Mỹ- một đất nước nhiều người cho là giàu có và văn minh nhất thế giới- vẫn cho phép người chồng được phép đánh người vợ bằng thắt lưng da nhưng lại quy định cụ thể điều kiện dây thắt lưng không được rộng hơn 2 inch (1inch = 2,45cm).
Ở Afghanistan người ta có đạo luật áp dụng trong cuộc sống gia đình của người thiểu số Shia cho phép người chồng có quyền bỏ đói người vợ nếu bị từ chối sex.
Pháp luật phản ánh sự thích nghi trong một quá trình. Chính sự thích nghi đó là nguồn gốc tạo ra sự khác biệt.
Chẳng hạn việc ta đi đường về bên tay phải, ở Anh người ta đi phía bên tay trái; ở ta gật đầu có nghĩa là đồng ý và lắc đầu có nghĩa là không, nhưng tại Bulgaria, Hy Lạp, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Bengal thì gật đầu có nghĩa là không, và lắc đầu lại có nghĩa là đồng ý… tất cả những điều đó phản ánh việc tự thích nghi, phán ánh sự khác biệt trong cách lựa chọn phương thứa chung sống, lựa chọn các vấn đề muôn mặt của cuộc sống.
Cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại ít nhiều đã chứa đựng tính hợp lý. Hay nói cách khác mọi thứ tồn tại, vận động và phát triển vận động trên thế giới này đều có lý do riêng của nó và chừng nào còn những khác biệt về lịch sử, địa lý, trình độ phát triển giữa các nền văn hóa thì chừng đó vẫn còn tồn tại những sự khác biệt nhưng đầy tính hợp lý. Chính vì vậy, nếu nhìn pháp luật dưới góc độ văn hóa, người ta thường không phán xét vội vàng, chủ quan về sự cao thấp, mà nhìn nhận vấn đề trong tính đa dạng và khác biệt vốn có của sự vật