I. Khái niệm
Trước đây giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại có sự phân biệt rạch ròi giữa 2 khái niệm “hợp đồng dân sự” và “hợp đồng thương mại”. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2017, Bộ luật dân sự 2015 đã không còn khái niệm hợp đồng dân sự mà thay mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các hợp đồng bao gồm hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh hay hợp đồng thương mại…
Sự thay đổi này có vẻ hợp lý hơn khi giả sử có tranh chấp xảy ra mà hợp đồng đó không phải là hợp đồng thương mại cũng chẳng phải là hợp đồng dân sự, nếu căn cứ theo Bộ luật dân sự trước đây rõ ràng đã tạo ra khoảng trống pháp lý để vận dụng.
Theo Bộ luật dân sự 2015:
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Đồng thời, Bộ luật này định nghĩa về nghĩa vụ như sau:
Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Theo Luật thương mại 2005
Luật thương mại 2005 không có định nghĩa cụ thể về hợp đồng thương mại nhưng có thể hiểu khái niệm hợp đồng thương mại theo các cách sau:
Hợp đồng thương mại là hợp đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.
Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, đó là sự thõa thuận giữa hai hay nhiều bên (trong đó ít nhất một bên là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Như vậy, điều kiện để được xem đó là hợp đồng thương mại khi một trong các bên tham gia phải là thương nhân thực hiện hoạt động thương mại với một hoặc các bên còn lại. Còn khái niệm hợp đồng theo Bộ luật dân sự không cần có 2 điều kiện nêu trên.
II. Các chủ thể trong hợp đồng
|
Bộ luật dân sự 2015
|
Luật thương mại 2005
|
|
Các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Lưu ý: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
|
- Các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng thương mại phải là thương nhân
|
III. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Về nội dung này, Luật thương mại 2005 không có quy định cụ thể mà phần lớn tất cả các hợp đồng cần đáp ứng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 đó là:
- Các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
- Mục đích và nội dung giao kết hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Thỏa thuận được thực hiện dựa trên sự tự do, tự nguyện
- Tuân thủ hình thức theo quy định trong trường hợp luật có quy định.
Cần lưu ý đối với hợp đồng thương mại nếu không đáp ứng được điều kiện một trong các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng là thương nhân và nội dung giao kết là hoạt động thương mại thì đó không phải là hợp đồng thương mại nhưng vẫn có hiệu lực nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện nêu trên.
IV. Nội dung của hợp đồng
Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể các nội dung có thể có của hợp đồng, còn Luật thương mại thì không:
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
V. Cơ chế giải quyết tranh chấp
Theo Luật thương mại 2005 có các cách giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng sau đây:
- Thương lượng giữa các bên.
- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Còn theo Bộ luật dân sự giống như trên, trừ phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
VI. Thời hiệu khởi kiện
Theo Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Còn đối với Luật thương mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này.
VII. Chế tài trong trường hợp vi phạm hợp đồng
Tại Bộ luật dân sự 2015 có các chế tài sau:
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
- Hủy bỏ hợp đồng
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng
Tại Luật thương mại 2005 có các chế tài sau:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Huỷ bỏ hợp đồng.
- Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Nội tại mỗi chế tài, đều có sự khác nhau giữa Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005:
Đối với chế tài phạt vi phạm:
Đều là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm hoặc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
Lưu ý đối với Luật thương mại có trường hợp miễn trừ trách nhiệm theo quy định.
Mức phạt vi phạm: do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015, còn theo Luật thương mại 2005 cũng do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật này.
Đối với chế tài bồi thường thiệt hại:
Về khái niệm, đều là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
Giá trị bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự là lợi ích mà lẽ ra bên bị vi phạm được hưởng do hợp đồng mang lại và chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, còn theo Luật thương mại thì bao gồm giá trị tổn thât thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Mối quan hệ giữa phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại:
Theo Bộ luật dân sự 2015 thì các bên có thể thỏa thuận việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không mặc nhiên thực hiện nếu không có thỏa thuận (theo Bộ luật dân sự 2015)
Theo Luật thương mại 2005 thì các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Như vậy, theo Luật thương mại 2005 thì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mặc nhiên thực hiện dù không có thỏa thuận, chỉ trừ trường hợp Luật có quy định khác.
Đối với chế tài hủy bỏ hợp đồng:
Theo Bộ luật dân sự 2015, hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau sẽ không phải bồi thường thiệt hại:
- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
- Trường hợp khác do luật quy định.
* Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng
Lưu ý: việc hủy bỏ phải được thông báo ngay cho bên kia biết, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Còn theo Luật thương mại 2005 thì hủy bỏ hợp đồng được thực hiện trong các trường hợp sau
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Như vậy, trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng căn cứ Bộ luật dân sự 2015 sẽ không phải bồi thường trừ khi hủy bỏ nhưng không thông báo, gây thiệt hại, còn theo Luật thương mại 2005 thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng.
(Phần 2 sẽ tiếp tục vào ngày mai nhé các bạn)
P/S: Trong trường hợp bài viết có thiếu sót, rất mong các bạn góp ý để bài viết nghiên cứu được hoàn thiện. Cám ơn các bạn.