Vai trò của khoáng sản là vô cùng to lớn đối với nền kinh tế, sự phát triển hoạt động khai thác khoáng sản là một tấm gương phản chiếu rõ nét sự phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế quốc dân và ngược lại. Tuy nhiên, khoáng sản không là vô tận, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tiềm năng khoáng sản của nước ta có hạn, bên cạnh đó, khai thác khoáng sản là một trong những ngành có tác hại lớn nhất tới môi trường. Song song với việc khai thác chúng ta còn cần chú ý đến vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên này, đó chính là mối quan hệ giữa bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản với phát triển khai thác và sử dụng khoáng sản. Đây là mối quan hệ đa chiều, phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố về điều kiện tự nhiên, công nghệ, kinh tế - xã hội, không chỉ ở phạm vi trong nước mà cả quốc tế, không chỉ là vấn đề của hiện tại mà liên quan tới cả quá khứ và tương lai.
Chính vì thế mà Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản. Đặc biệt, việc quản lý khai thác khoáng sản là rất khó khăn nên nước ta đã có quy định chi tiết về “cấp quyền khai thác khoáng sản” và “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” trong Luật Khoáng sản 2010 tạo nên sự đồng bộ và nhất quán về hoạt động quản lý trong lĩnh vực này. Với hệ thống quy phạm pháp luật nói trên, mục đích là bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng tài nguyên khoáng sản sao cho có thể phát huy cao nhất giá trị của chúng.
Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp là chính sách mới, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra… Nghị định 203 /2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/01/2014) của Chính phủ là văn bản quy định chi tiết thực hiện Khoản 3, Điều 77 Luật Khoáng sản 2010. Cụ thể, tại Điều 77 về "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản" quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá; mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo nhóm, loại khoáng sản có giá trị từ 1% đến 5%, cách tính dựa trên các chỉ số như trữ lượng khai thác, hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác, hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội...
1. Quy định của pháp luật về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 77 của luật khoáng sản và phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được cụ thể rõ qua Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản
1.1 Trình tự thủ tục
- Bước 1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam theo thẩm quyền cấp phép khai thác.
+ Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày Nghị định Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực:
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam theo thẩm quyền cấp phép khai thác trong thời gian không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (trực tiếp hoặc qua bưu điện).
+ Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và sau ngày Nghị định này có hiệu lực, phải thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định trước khi cấp phép (trực tiếp hoặc qua bưu điện).
- Bước2. Tiếp nhận, tính và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận tính pháp lý, mức độ đầy đủ của các hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do tổ chức, cá nhân nộp; tổ chức tính và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo Mẫu số 02 và Mẫu số 03 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Trường hợp khu vực khoáng sản được phép khai thác nằm trên địa bàn liên tỉnh, liên huyện; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phân chia số tiền phải nộp theo tỷ lệ diện tích khu vực khoáng sản. Khu vực này được căn cứ từ Giấy phép khai thác khoáng sản theo địa bàn từng tỉnh, từng huyện.
- Bước 3. Thông báo kết quả
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh gửi văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Cục thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác và thông báo cho tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản.
Khi nhận được văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc, Cục thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục II của Nghị định 203/2013/NĐ-CP, gửi tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản.
1.2 Thành phần hồ sơ:
- Hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bao gồm:
- Bản tự kê khai thông tin tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP: 02 (hai) bản.
- Bản sao Giấy phép khai thác khoáng sản: 01 (một) bản.
- Báo cáo nộp thuế tài nguyên hàng năm; các chứng từ, tài liệu hợp pháp chứng minh trữ lượng khoáng sản đã khai thác tính đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2011.
1.3 Thẩm quyền
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản.
1.4 Phương pháp tính
Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định theo nhóm, loại khoáng sản có giá trị từ 1% đến 5%, được thể hiện tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo công thức sau:
T = Q x G x K1 x K2 x R
Trong đó:
+ T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;
+ Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này; đơn vị tính là m3, tấn;
+ G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;
+ K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác, được quy định: Khai thác lộ thiên K1 = 0,9; khai thác hầm lò K1 = 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1 = 1,0;
+ K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, K2 = 0,90; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, K2 = 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2 = 1,00;
+R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).
1.5 Thời hạn nộp tiền
Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất lần đầu là 90 (chín mươi) ngày tính từ ngày nhận được thông báo của Cục thuế địa phương; thời điểm các lần sau chậm nhất là ngày 31 tháng 3 các năm tiếp theo. Sau các thời điểm này, ngoài số tiền phải nộp theo thông báo, tổ chức, cá nhân còn phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tổ chức cá nhân phải nộp 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp thời gian khai thác còn lại trong Giấy phép khai thác hoặc cấp mới bằng hoặc dưới 05 năm; Tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bằng hoặc nhỏ hơn 01 (một) tỷ đồng. Các trường hợp khác có thể chia thành nhiều lần để nộp theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 203/2013/NĐ-CP.
1.5 Hạch toán
Đối với trường hợp giấy phép do Trung ương cấp (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khi đơn vị được cấp phép và nộp tiền vào ngân sách nhà nước sẽ hạch toán theo mã chương 026, 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương.
Đối với trường hợp giấy phép do UBND tỉnh cấp phép, khi đơn vị được cấp phép và nộp tiền vào NSNN sẽ được hạch toán theo mã chưuơng 426, 100% cho ngân sách địa phương.
2. Ý nghĩa của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Luật khoáng sản 2010 được coi là một bước ngoặt có tính chất đột phá hơn so với Luật khoáng sản 1996 và Luật khoáng sản sửa đổi, bổ sung 2005. Theo đó, Luật quy định cụ thể "Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá". Hình thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhằm thay thế cho cơ chế “xin-cho” trước đây, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cấp phép quyền khai thác khoáng sản. Cùng với những quy định của Luật khoáng sản 2010 thì Nghị định 203/2013/NĐ-CP ban hành ngày 28/11/2013 là văn bản quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có vai trò rất lớn trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản.
Việc đưa ra mức thu tiền cấp quyền khoáng sản nhằm hướng tới góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ; đồng thời loại bỏ những Doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu kém, không có khả năng cạnh tranh; Bên cạnh đó chính sách này còn góp phần quản lý tài nguyên khoáng sản của Quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường, phục vụ tốt hiệu quả tài nguyên đất nước.
Qua những quy định pháp luật cũng như thực tiễn đã phân tích ở trên có thể thấy vai trò của “cấp quyền khai thác khoáng sản” đóng một vai trò vô cùng cần thiết trong các quy định về khoáng sản, là một công cụ hữu hiệu giúp các cơ quan Nhà nước quản lý và giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trong cả nước, là nền tảng pháp lý cơ bản cho tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động này.
Ngoài những tiến bộ kể trên, trong quy định về “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhiều lỗ hổng cần được khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững, đạt được sự tổng hòa kinh tế - xã hội và môi trường trong hoạt động khoáng sản, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước đang trong thời kì hội nhập và phát triển mạnh. Đồng thời, với hoạt động khai thác khoáng sản được quản lý chặt chẽ bởi các chế định thống nhất, nguồn tài nguyên này sẽ được khai thác hiệu quả hơn, tạo nên sự cân đối giữa cuộc sống đương đại và thế hệ tương lai.