Khi nói về người Nhật Bản người ta thường dùng câu “tầm nhìn xa trên 10km” để ban tặng cho họ. Còn khi nghĩ về Việt Nam thì điều đó dường như bình thường, bởi tầm nhìn người Việt không nằm ở khoảng cách kilomet mà đó là thời gian; người lập chính sách nước nhà với tầm nhìn 10 năm, 20 năm thậm chí 100 năm hoặc vô thời hạn. Đề cập đến người Nhật đó là cái khen đáng nỗi tự hào, còn tầm nhìn Việt là sự chua xót đến đau lòng và chỉ biết chê trách.
Người dân không may sống trong những khu quy hoạch “treo” của Nhà nước thì số phận vô cùng điêu đứng. Nhà hư không sửa được, bán không cho, giấy tờ chẳng có, mưa bão xảy ra thì phải hứng chịu cảnh xập xệ, lầy lội; đất nông nghiệp không cho sản xuất, cỏ mọc hoang dại vào mùa mưa, mùa khô thì bùng cháy lan tràn đến nhà dân; làm chòi nuôi vịt thì chính quyền đập bỏ. Hỏi làm sao dân sống nổi?
Đấy là tất cả những gì cần nói về khu Nam Sài Gòn “treo” hàng ngàn hecta đất. Đã 17 năm từ khu đô thị này được thành lập, trừ khu Phú Mỹ Hưng được xây dựng khang trang, các khu B, C, D, E còn lại gần như bị tê liệt vì dự án “treo”.
17 năm là khoảng thời gian một đứa bé chưa ra đời trở nên trưởng thành, tóc xanh đã nhuộm bạc, bao người phải ra đi nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường để lo cho cuộc sống của mình. An cư mới lập nghiệp, nhưng chính quyền cứ để người dân trong sự chờ đợi vô vọng, bao giờ họ mới thoát được cảnh “treo” dự án. Đặc biệt, xã Bình Hưng huyện Bình chánh bị treo nguyên xã trong bao nhiêu năm qua. Cái lợi cho sự phồn thịnh của các khu đô thị chưa thấy đâu nhưng người dân đang gánh chịu sự khổ cực thì đã rõ.
Khu Nam Sài Gòn chỉ là trường hợp điển hình chỉ cho cảnh tượng những khu quy hoạch “treo” toàn nước bao năm qua.
Liệu chăng đây là tầm nhìn 10 năm, 20 năm hay 100 năm của nhà hoạch định chính sách nên những người bình thường chưa thể thấy cái lợi. Dẫu là bao nhiêu năm đi chăng nữa thì phải chăm lo đời sống người dân trước mắt, đừng để dân khổ bởi những thứ vô bổ của chính sách.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong những chính sách quy hoạch “treo” hại dân này? Xin đừng tránh né, sống chết mặc bay, để dân gánh lấy hậu quả này.