Người nước ngoài sang Việt Nam với mục đích lao động và làm việc tại công ty của người Việt Nam thì có được phép thuê nhà của người dân để ở hay không? Có cần lưu ý thủ tục gì không?
Điều kiện của các bên tham gia giao dịch cho thuê nhà ở được quy định như thế nào?
Thuê nhà ở là một trong các giao dịch về nhà ở theo quy định tại Điều 117 Luật nhà ở 2014. Để tham gia giao dịch về nhà ở thì các bên tham gia phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định tại Điều 119 Luật nhà ở 2014, cụ thể:
Đối với bên cho thuê:
- Bên cho thuê phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở và pháp luật về dân sự;
- Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
Đối với bên cho thuê:
- Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
- Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Theo Khoản 1 Điều 159 Luật nhà ở 2014 thì đối tượng cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chính là các cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Người lao động nước ngoài có được thuê nhà của người dân để ở không?
Theo Điều 32 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hiện hành không có quy định hạn chế về việc người nước ngoài không được phép thuê nhà của người dân Việt Nam.
Do đó, nếu người lao động nước ngoài đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam, có đủ năng lực hành vi dân sự thì có thể thuê nhà của người dân Việt Nam. Trong đó, người cho thuê là chủ sở hữu căn nhà hoặc là người được chủ sở hữu căn nhà ủy quyền.
Khi người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam cần lưu ý điều gì?
Khi người nước đến một nơi nào đó để ở thì việc cần lưu ý đầu tiên đó chính là khai báo tạm trú.
Theo Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Nếu người cho thuê chưa làm thủ tục này thì người nước ngoài nên chủ động nhắc nhở.
Ngoài ra, trách nhiệm của người nước ngoài trong trường hợp này chính là cung cấp thông tin chính xác cho chủ nhà khai báo tạm trú cho mình. Nếu cung cấp sai thông tin, người nước ngoài sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm i Khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Đồng thời, sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Như vậy, người lao động nước ngoài được thuê nhà của người dân để ở. Khi thuê cần lưu ý cung cấp đầy đủ thông tin để bên cho thuê làm thủ tục khai báo tạm trú với cơ quan công an theo quy định.
Cập nhật bởi jellannm ngày 17/05/2023 07:30:09 CH