Mạng xã hội ngày càng phát triển, nội dung được đăng tải ngày càng phong phú và đa dạng; bên cạnh những nội dung bổ ích, phục vụ cho nhu cầu học tập, làm việc, giải trí… thì vẫn tồn tại không ít những nội dung không hay, nội dung xấu tác động đến tư tưởng của con người, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia ban hành các Luật, Bộ luật về giám sát các hoạt động truy cập mạng của trẻ vị thành niên nhằm kiểm soát nội dung truy cập internet của trẻ, ngăn chặn các thông tin xấu, web đen trên mạng xã hội ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ. Điển hình là ở Hàn Quốc, đã ban hành điều luật những người dưới 19 tuổi khi mua điện thoại thông minh sẽ phải cài đặt một ứng dụng theo dõi các hoạt động trên mạng của họ. Từ đó, để các bậc phụ huynh có thể biết bất kì hoạt động nào của con em mình và có quyền chặn những trang web không muốn con mình vào xem. Nếu như người dùng không cài ứng dụng, chiếc điện thoại đó cũng không sử dụng được.
Còn ở Việt Nam, vào đầu tháng 7 vừa qua Viettel đã cung cấp dịch vụ Safenet giúp người dùng mạng cáp quang của Viettel kiểm soát truy cập Internet và là công cụ hữu ích để các bậc phụ huynh có thể tạo ra môi trường Internet “sạch và an toàn” cho con.
Ngoài ra một số thủ thuật về công nghệ thông tin hiện tại cũng cho phép thiết lập chức năng giới hạn tìm kiếm nội dung trên google thông qua việc bắt buộc phải đăng nhập mail, gmail hoặc vô hiệu hóa chức năng dự đoán nhanh kết quả nhằm hạn chế tối đa các kết quả không chính xác, thậm chí trái ngược hoàn toàn với kết quả trẻ đang tìm kiếm.
Theo quan điểm cá nhân của mình, thì việc giám sát hoạt động truy cập internet của trẻ vị thành niên là hết sức cần thiết. Như những thông tin báo chí lan truyền gần đây, nhiều vụ thanh thiếu niên đánh nhau tại học đường, trộm cướp để có tiền chơi game, giết người hay cả việc những đứa trẻ yêu nhau khi chưa đủ tuổi làm chuyện người lớn… diễn ra tràn lan khắp xã hội, đặt trường hợp nếu trẻ vị thành niên xem được những tin tức này trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến tư tưởng của các em, bởi các em đang trong độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Tuy nhiên, xét về một phương diện khác việc giám sát hoạt động truy cập internet đối với trẻ vị thành niên vô tình xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
Điều 21 Luật Hiến pháp 2013 xác định:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác
Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (BLDS 2015)
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định“Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, việc xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân có thể dẫn đến các vi phạm quy định về pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu về trách nhiệm hình sự theo Điều 159 BLHS 2015 (có hiệu lực vào 01/01/2018).
Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các bạn nghĩ sao về dịch vụ Safenet của Viettel???
Facebook: Kiều Nghi Đặng
Work at SMI Furniture
Hạnh phúc là tha thứ