Nhóm ủng hộ cho rằng nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 là phù hợp với công ước quốc tế, bảo vệ được nhóm trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý; nhóm khác lại lo ngại sẽ xung đột với nhiều luật và khó xử lý khi tội phạm vị thành niên gia tăng.
Tại phiên thảo luận dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23/11, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng độ tuổi trẻ lên 18.
Đồng tình với dự thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc THPT. Lứa tuổi 16-18 có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được bảo vệ để không dễ bị lạm dụng.
Cẩn trọng với đề xuất trên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải thảo luận, suy nghĩ thật kỹ vì chính từ nội dung này mà kéo theo rất nhiều nội dung khác trong dự thảo cũng như liên quan đến nhiều bộ luật khác. Cụ thể, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ dẫn đến xung đột với nhiều bộ luật, như Lao động, Hình sự, Dân sự, Thanh niên...
Bên cạnh đó, khái niệm và cách xác định trẻ em của các bộ luật vừa được nêu trên cũng có nhiều bất cập, không thống nhất. Hiện nay, trẻ em được xác định ở tuổi nào thì mỗi luật lại quy định khác nhau. Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật thanh niên quy định thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên. Bộ luật hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội…
Nguồn: VNExpress
---------------------------------------------
Xem ra vấn đề có nên nâng đội tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi hay không đang gây nhiều tranh cãi và bàn luận. Mọi người có ý kiến gì xoay quanh vấn đề này không?