Bộ Lao động đề xuất tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60, thực hiện từ 1/1/2021.
Do đứng trước nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, Bộ Lao động đưa ra hai phương án về tuổi nghỉ hưu. Một là giữ nguyên như hiện nay, hai là đẩy nhanh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu so với dự thảo công bố cuối năm 2016.
Có lẽ nhiều người trong số chúng ta có lúc tự hỏi: Mình sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi nào? Liệu khi nghỉ hưu có đủ tiền tiết kiệm để sống? Câu trả lời không hề đơn giản. Sẽ có 3 sự lựa chọn đang chờ đợi: hoặc là tiền lương hưu từ chính phủ, hoặc tiền hưu trí từ nơi làm việc, hoặc từ quỹ tiết kiệm cá nhân, nhưng liệu có đủ hay không. Theo một báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, các quốc gia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu hụt lương hưu ảnh hưởng tới lao động ở mọi lứa tuổi, có thể dẫn đến vỡ quỹ. Nhiều người sẽ buộc phải làm việc tới tuổi 70 mới được về hưu.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên các cơ sở như đối phó tình trạng dân số già và đảm bảo quỹ hưu trí. Quỹ này đang mất cân đối, cơ quan quản lý cho rằng do mức đóng - hưởng BHXH chưa hợp lý, tuổi thọ bình quân tăng (73 tuổi), thời gian hưởng lương hưu kéo dài (20 năm) và tỷ lệ hưởng cao (tối đa 75%).
Lương hưu thấp so với nhu cầu cuộc sống
Dù tối đa khi nghỉ hưu thì được hưởng tới 75% mức lương khi còn tại chức, tỉ lệ cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng bình quân lương hưu ở VN chỉ đạt 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Nếu không tính cán bộ hưu trí vốn làm việc trong lực lượng vũ trang, lương hưu bình quân chỉ 3,1 triệu đồng/người/tháng, thuộc loại thấp so với nhu cầu cuộc sống, nhất là ở đô thị.