MỘT VỤ ÁN LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC !

Chủ đề   RSS   
  • #452694 27/04/2017

    TranTamDuc.1973
    Top 50
    Male
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/03/2016
    Tổng số bài viết (1355)
    Số điểm: 10622
    Cảm ơn: 178
    Được cảm ơn 1121 lần


    MỘT VỤ ÁN LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC !

    Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh 1947, vượt biên năm 1976, đã thôi quốc tịch Việt Nam và đã nhập quốc tịch Hà Lan. Những ngày đầu ở xứ sở hoa Tulip, ông Bình sống bằng nghề bán dạo giò chả, dần dà ông trở thành chủ nhân một hệ thống kinh doanh giò chả tại Hà Lan. Năm 1987 ông Bình mang hơn 3 triệu USD về Việt Nam đầu tư, từ đó ông có biệt danh "Vua giò chả". Lúc này Việt Nam chưa ưu đãi nhiều cho Việt kiều nên ông Bình phải nhờ người quen đứng tên dùm khi mua nhà, đất tại bản xứ. Mười năm sau giá trị tài sản tại Việt Nam của "Vua giò chả" đã lên tới khoảng 30 triệu USD nhưng ông bị khởi tố tội "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và tội "đưa hối lộ" vào năm 1996, bị tuyên 13 năm tù giam, phúc thẩm giảm còn 11 năm đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản tại Việt Nam. "Vua giò chả" tận dụng cơ hội tại ngoại để thoát qua Vương quốc Cambodia rồi từ đó bay về Hà Lan.

    Với tư cách một nhà đầu tư người Hà Lan, năm 2003 ông Bình khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư đặt tại Stockholm (Thụy Điển), yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho ông khoảng  100 triệu USD. Cơ sở pháp lý để "Vua giò chả" khởi kiện là "Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư" giữa Vương quốc Hà Lan và CHXHCN Việt Nam ký kết năm 1994 (Hiệp định 1994), trong đó có điều khoản hai bên thỏa thuận trong mọi trường hợp Việt Nam không được tịch thu tài sản của nhà đầu tư Hà Lan, Việt Nam từ bỏ quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý quốc tế và nếu hai bên có phát sinh tranh chấp về đầu tư thì sẽ do Trọng tài quốc tế giải quyết.

    Bảo vệ quyền lợi cho "Vua giò chả" là tổ hợp luật sư nổi tiếng Covington & Burling gồm các Luật sư sừng sỏ của Hoa kỳ và Anh quốc, phía Việt Nam cũng thuê một hãng luật lừng danh của Pháp làm đại diện trong vụ kiện. Tuy nhiên, có lẻ hiểu rằng hoàn toàn bất lợi, bởi rõ ràng đã vi phạm Hiệp định 1994 khi tịch thu tài sản của "Vua giò chả" là nhà đầu tư Hà Lan và vì đã từ bỏ quyền miễn trừ nên đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, cho nên năm 2005 Việt Nam đã "hòa giải thành" với "Vua giò chả",  đây là một quyết định đúng đắn nhằm tránh bị thêm khoản chi phí xét xử không nhỏ nếu để Trọng tài quốc tế xét xử bằng một phán quyết.

    Nội dung "hòa giải thành" không được Việt Nam công khai, nhưng theo thông tin từ nhiều nguồn thì Việt Nam phải : 1/- Bồi thường ngay 15 triệu USD để "Vua giò chả" thanh toán chi phí kiện tụng, 2/- Phải trả lại cho "Vua giò chả" đầy đủ tài sản tịch thu chậm nhất là tới năm 2012, 3/- Phải cho "Vua giò chả" ra, vào Việt Nam làm từ thiện. Nghĩa vụ thứ 1 và thứ 3 đã được thực hiện, riêng nghĩa vụ thứ 2 đã hết thời hạn nhưng vẫn chưa thực hiện nên năm 2015 "Vua giò chả" lại tiếp tục khởi kiện ra Tòa án Trọng tài quốc tế ở Den Haag-The Hague (Hà Lan), lần này ông yêu cầu Việt Nam phải bồi thường tới 1 tỷ USD do đã vi phạm cam kết "hòa giải thành" hồi năm 2005. Vi phạm không thể biện minh nên khả năng Việt Nam thua kiện là rất cao.

    Trong vụ án này, sai lầm thứ nhất là khi xét xử, cả 2 cấp Tòa sơ thẩm (Tòa án nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và phúc thẩm (Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao) đều bỏ qua những thỏa thuận ràng buộc của Việt Nam với Vương quốc Hà Lan tại Hiệp định 1994 khi nó đang còn hiệu lực, việc này rất khó hiểu, bởi cả hai hội đồng xét xử gồm các Thẩm phán trung và cao cấp thì không thể không biết ông Bình là nhà đầu tư Hà Lan, phải áp dụng Hiệp định 1994 và kể cả trong trường hợp Điều ước quốc tế - Hiệp định 1994 - có nội dung khác với Luật quốc gia thì vẫn phải áp dụng Hiệp định đó để giải quyết. Sai lầm thứ hai là cam kết cẩu thả khi hòa giải. Biết rõ tài sản bị tịch thu của ông Bình có một phần khá lớn đã thất thoát trong quá trình thi hành án và quản lý không thể nào thu hồi được mà vẫn cam kết trả lại đầy đủ đúng tài sản bị tịch thu cho ông ta. Do đã quen với tư duy hứa đại hứa đùa cho qua  chuyện hay do Ông Bình rút hơn ½ yêu cầu khởi kiện khi hòa giải nên mừng quá mà chấp bút ký, không nhớ rằng việc trả lại đầy đủ đúng tài sản bị tịch thu là điều không tưởng ? Sai lầm thứ ba là khi phát hiện ra điều không tưởng đó thì không tích cực đàm phán để thỏa thuận cách thực hiện khác, như chuyển qua thanh toán bằng tiền theo giá trị tương đương chẳng hạn, việc này không khó bởi ông Bình từng rất có thiện chí là rút ½ yêu cầu khởi kiện lúc hòa giải ở lần kiện thứ nhất, cứ bỏ mặc cho thời hạn trôi qua như không biết đó là vi phạm Luật quốc tế mà mình đã ký kết và có nguy cơ phải bồi thường số tiền rất lớn.

    Hậu quả là đất nước bị thiệt hại chồng lên thiệt hại, về mặt chính trị ít nhiều đã tạo ra một hình ảnh xấu cho môi trường đầu tư, về mặt kinh tế bị thiệt hại nặng nề khi tịch thu tài sản chỉ gần 30 triệu USD rồi phần bị thất thoát, phần không sinh lợi nhưng bây giờ có nguy cơ phải bồi thường số tiền lên tới hàng tỷ USD. Quốc tế thì đâu dễ "để lâu cứt trâu hóa bùn", họ rất coi trọng chữ tín nên phạt rất nặng những vi phạm liên quan tới chữ tín, nghĩa vụ mà không thực hiện đúng hạn, càng để lâu sẽ càng bị phạt nặng nề hơn. Cũng đừng mong chây ỳ trong thi hành án như ở Việt Nam, bởi quốc tế luôn có nhiều cách cưỡng chế rất hiệu quả, chuyện chuyên cơ "Tango 03" của Tổng thống Argentina bị Hà Lan giữ lại để xiết nợ hoặc chuyện đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ bị cấm thi đấu quốc tế nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu thi hành án cho Huấn luyện viên Letard số tiền 197.800 USD theo phán quyết của Toà án trọng tài thể thao quốc tế là những ví dụ điển hình. Đất nước còn nghèo, đáng lẻ phải chắt chiu dành dụm từng đồng ngoại tệ để dùng vào việc phát triển kinh tế, đằng này chỉ vì sự yếu kém đến độ khó tin của một nhóm người được giao quyền xử lý một vụ án không quá phức tạp mà Ngân sách phải mất đi một số ngoại tệ khổng lồ.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557

    231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM

     
    16315 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

2 Trang <12
Thảo luận
  • #467063   08/09/2017

    trang_u
    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Xin góp thêm giải đáp thắc mắc liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình

    Mình thấy nội dung này hay, gửi đến cho các bạn ai đang tìm hiểu vụ việc này:

    Có phải ai cũng có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Trịnh Vĩnh Bình không?
     
    Không.
     
    Vì ông Bình kiện theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nên chỉ có hai đối tượng sau mới có thể khởi kiện:
     
    1. Công dân Hà Lan có tài sản đầu tư ở Việt Nam (chính là ông Bình), và
     
    2. Công dân Việt Nam có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
     
    Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng ông Bình là người Việt Nam. Ông ấy sinh ra ở Việt Nam, mang tên Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hà Lan. Điều đó có nghĩa là nếu thay ông Bình bằng một ông da trắng tóc vàng người Hà Lan thì bản chất vụ việc cũng không có gì thay đổi.
     
    Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam theo Hiệp định này cũng như theo những hiệp định tương tự mà Việt Nam ký với các nước khác.
     
    Cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này? 
     
    Khi ông Trịnh Vĩnh Bình sử dụng Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Việt Nam – Hà Lan làm cơ sở pháp lý cho vụ kiện của mình, thì hai bên đều bắt buộc phải chấp nhận quyền tài phán của Luật Trọng tài UNCITRAL.
     
    Điều này có nghĩa là, thủ tục để khởi kiện dựa theo điều khoản của hiệp định này phải sử dụng thủ tục tố tụng của Luật Trọng tài UNCITRAL, chứ không bên nào có thể nộp đơn ở một tòa án dân sự của một quốc gia để khởi kiện. (Xem Điều 9 của Hiệp định song phương). Đồng thời, cũng không có bên nào được phép từ chối tham gia vào vụ việc nếu không đưa ra được cơ sở pháp lý cho hành vi đó.
     
    Năm 2003, thông qua các luật sư của mình, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn tại Viện Trọng tài Phòng Thương mại Stockholm (Arbitration Institute of Stockholm Chamber of Commerce), Thụy Điển, yêu cầu cơ quan này thụ lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp về tài sản đầu tư giữa ông và chính phủ Việt Nam, cũng như đòi bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ.
     
    Viện Trọng tài Stockholm là một trong số những tổ chức tư nhân có tư cách sáng lập hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) và tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) để giải quyết các tranh chấp dựa trên Luật Trọng tài UNCITRAL.
     
    Một tòa trọng tài khác có các hoạt động trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế mà chúng ta hay nghe đến là Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở Hague, Hà Lan.
     
    Trước và sau khi nguyên đơn tiến hành thủ tục sử dụng tòa trọng tài, các bên của một vụ kiện đều có thể thương thảo với nhau và chọn một tòa trọng tài theo ý để thụ lý hồ sơ.
     
    Thủ tục tiến hành vụ kiện ra sao?
     
    Thủ tục của tòa trọng tài (arbitration court) có thể đơn giản và ngắn gọn hơn các thủ tục tố tụng dân sự (civil court) đôi chút. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn pháp lý về tố tụng, chứng cứ, v.v. đều rất tương đồng với các thủ tục ở tòa án dân sự.
     
    Các trọng tài viên (arbitrator) là những “quan tòa tư nhân” được hai bên đồng ý ký hợp đồng làm việc và trả phí. Đa số trọng tài viên đều có học vấn và kinh nghiệm rất phong phú, đặc biệt là về chuyên môn trong các lĩnh vực, ví dụ như luật thương mại và đầu tư quốc tế, nên chi phí cho họ thông thường cũng rất cao.
     
    Ba trọng tài viên C. Mark Baker, Brigitte Stern, Kaj Hobér là những người đã được chọn để xét xử vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình tại Viện Trọng tài Stockholm.
     
    Kết quả của vụ kiện năm 2003 ra sao?
     
    Năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án (settlement agreement), trước khi các trọng tài viên chuẩn bị mang vụ kiện ra xét xử (Thỏa thuận 2006).
     
    Đại diện cho ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm này là hãng luật King & Spalding, còn hãng Gide Loyrette Nouel đại diện cho chính phủ Việt Nam.
     
    Ngày 14/3/2007, vụ tranh chấp về tài sản đầu tư ở Việt Nam giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam chính thức chấm dứt khi Thỏa thuận 2006 được Viện Trọng tài Stockholm phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực thi hành. Ông Bình cũng đồng ý đóng lại vụ kiện chính phủ Việt Nam dựa trên Luật trọng tài UNCITRAL.
     
    Chi tiết về những điều khoản liên quan đến các thỏa thuận giữa ông Bình và chính phủ Việt Nam được hai bên đồng ý bảo mật (confidential settlement). Thế nên, có rất ít thông tin chính thức về những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận – ví dụ như thông tin về mức bồi thường (nếu có), thời gian thi hành các điều khoản, v.v. cho đến khi ông Trịnh Vĩnh Bình một lần nữa đưa chính phủ Việt Nam ra tòa vào năm 2017.
     
    Đâu là cơ sở pháp lý để Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam năm 2017?
     
    Vào cuối tháng 8/2017, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện chính phủ Việt Nam ở một tòa trọng tài quốc tế khác được nhanh chóng lan tỏa trong và ngoài nước.
     
    Theo đó, ông Bình đã nộp đơn tại Tòa Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce – International Arbitration Court) có trụ sở tại Paris, Pháp, và cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, cũng như yêu cầu được bồi thường 1,25 tỷ đô-la Mỹ.
     
    Năm 2003, ông Bình đã dựa vào điều khoản của Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Việt Nam. Nhưng đối với vụ việc năm 2017, ông đã dùng chính Thỏa thuận 2006 làm cơ sở pháp lý cho đơn kiện của mình.
     
    Ở đây, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cáo buộc phía chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận 2006 mà không thi hành toàn bộ nghĩa vụ chiếu theo đó, nên bắt buộc ông phải nộp đơn kiện.
     
    Cũng như bất kỳ một bản hợp đồng dân sự nào, hai phía của Thỏa thuận 2006 đã tình nguyện ký kết và đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi một bên cho rằng phía bên kia đã vi phạm hợp đồng thì họ có thể khởi kiện để đòi bồi thường hoặc yêu cầu tòa án ra lệnh thực thi hợp đồng.
     
    Tại sao ở vụ kiện thứ hai này một toà trọng tài ở Paris lại có thẩm quyền giải quyết?
     
    Vì các luật sư của ông Bình trong vụ kiện năm 2017 đã mở hồ sơ tại Tòa Trọng tài ICC, nên chúng ta có thể dùng điều luật của chính tổ chức tài phán này để suy luận về thẩm quyền thụ lý hồ sơ của toà.
     
    Theo luật của Tòa Trọng tài ICC thì hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) của họ chỉ giải quyết những tranh chấp nào mà các bên liên quan đã thiết lập điều khoản về việc sử dụng Tòa ICC làm tòa trọng tài (arbitration court) và đưa vào hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ từ trước đó. Thông tin này thường nằm trong điều khoản đồng ý sử dụng tòa trọng tài làm phương pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp – arbitration clause – của nhiều hợp đồng, thỏa thuận dân sự.
     
    Nếu bản hợp đồng hoặc thỏa thuận trước đó của hai bên không có điều khoản này, thì cả hai đều phải đồng ý (consent) với việc sử dụng Tòa Trọng tài ICC khi tranh chấp xảy ra.
     
    Do Tòa Trọng tài ICC đã thụ lý hồ sơ của ông Trịnh Vĩnh Bình và mở phiên tòa xét xử vào ngày 21/8/2017, chúng ta có thể nhận định rằng hoặc Thỏa thuận 2006 có ghi rõ điều khoản đồng ý sử dụng Tòa ICC để giải quyết tranh chấp, hoặc chính phủ Việt Nam đã đồng ý dùng tổ chức tài phán này sau khi đơn kiện được nộp.
     
    Tuy nhiên, khả năng Thoả thuận 2006 có ghi rõ điều khoản này là cao hơn, vì lý do án phí.
     
    Án phí của Tòa ICC là khá cao (gần 700 nghìn đô-la nếu chỉ sử dụng một trọng tài viên và 1,78 triệu đô-la nếu sử dụng hội đồng trọng tài với ba thẩm phán cho một hồ sơ yêu cầu 1,25 tỷ đô-la tiền bồi thường như của ông Bình), và cả hai phe đều phải tự ứng ra trước một nửa.
     
    Án phí của Tòa trọng tài ICC tỉ lệ thuận với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu. Yêu cầu càng nhiều tiền bồi thường, án phí sẽ càng cao.
     
    Thế nên, có lẽ lập luận thiên về phía Thỏa thuận 2006 đã có sẵn điều khoản này có phần nhỉnh hơn, vì khó mà thuyết phục một bên đồng ý trả một số tiền án phí lớn như vậy sau khi đơn kiện đã được nộp, trong khi họ có thể thương thảo để sử dụng một tòa trọng tài khác.
     
    Khi nào Toà ICC Paris mới ra phán quyết?
     
    Sau một tuần tổ chức xét xử, hội đồng trọng tài của Tòa ICC đã kết thúc phần nghe thẩm vào cuối tháng 8/2017. Nếu không xảy ra tình huống đặc biệt – ví dụ như hội đồng này yêu cầu thêm thời gian xử lý – thì trong vòng tối đa sáu tháng, một phán quyết sẽ được công bố.

    Nguồn: Luật Khoa Tạp chí 

     
    Báo quản trị |  
  • #467722   14/09/2017

    thuytrangak
    thuytrangak
    Top 75
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:30/08/2017
    Tổng số bài viết (940)
    Số điểm: 7910
    Cảm ơn: 86
    Được cảm ơn 175 lần


    Sau khi ông Bình bị bắt giam và bị kết án, một số cán bộ thi hành án ở địa phương đã bị truy tố, chịu án tù, do đã có vi phạm pháp luật trong khâu bán đấu giá tài sản bị tịch thu không đúng quy định của pháp luật, làm thiệt hại cho ông Bình và cho ngân sách Nhà nước. Một người vi phạm kéo theo cả nhiều người và ảnh hưởng đến cả kinh tế đất nước.

     
    Báo quản trị |  
  • #470003   07/10/2017

    TranTamDuc.1973
    TranTamDuc.1973
    Top 50
    Male
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/03/2016
    Tổng số bài viết (1355)
    Số điểm: 10622
    Cảm ơn: 178
    Được cảm ơn 1121 lần


    NHỮNG KIỂU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LÀM TĂNG SỐ LƯỢNG KHIẾU NẠI !?

    Năm 2014 Toà án Tỉnh thụ lý vụ án "tranh chấp di sản thừa kế" toàn bộ 400m2 đất tại thửa số 31 tới nay chưa giải quyết xong. Thế nhưng năm 2015 bà X lại chuyển nhượng 80m2 trong 400m2 tại thửa 31 mà Hợp đồng chuyển nhượng vẫn được công chứng và xác nhận cho chuyển quyền. Khi bị khiếu nại đất đang tranh chấp mà cho chuyển quyền là trái pháp luật tại khoản 2 điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, yêu cầu huỷ việc xác nhận cho chuyển quyền thì ông Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai – người đã ký xác nhận  – có Báo cáo rằng : "Toà thụ lý nhưng không gởi Thông báo thụ lý nên Chi nhánh không biết đất đang tranh chấp ! Do đó việc Văn phòng ký xác nhận cho bà X chuyển quyền là hoàn toàn đúng nên không huỷ.". Vì người khiếu nại và người bị khiếu nại có quan điểm khác nhau, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã tổ chức đối thoại. Dưới đây là nội dung cuộc đối thoại :
     
    Người khiếu nại  : " Khoản 2 điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP qui định Chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ chứ không qui định các cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác có nghĩa vụ phải thông báo cho Chi nhánh ?!" 
     
    Người bị khiếu nại : "Chi nhánh trăm công ngàn việc, hồ sơ như núi nên không có thì giờ để kiểm tra chuyện Toà thụ lý giải quyết tranh chấp đất để mà biết" 
     
    Người khiếu nại : "Chi nhánh có nhiệm vụ giúp UBND Quận quản lý đất đai trên địa bàn, nếu nói như ông thì Chi nhánh đã không hoàn thành nhiệm vụ vì không quản lý được đất có tranh chấp." 
     
    Người bị khiếu nại : "quản lý đất đai là quản lý nhiều thứ, nhiều cách chứ không phải chỉ quản lý 1 thứ và bằng 1 cách". 
     
    Người khiếu nại : "vậy Chi nhánh quản lý bằng cách nào mà Toà thụ lý giải quyết tranh chấp đất cả 3 năm trên địa bàn rồi mà Chi nhánh không biết đất có tranh chấp ?"
     
    Người bị khiếu nại : không trả lời.
     
    Người khiếu nại : "Cứ cho là tại lúc ký xác nhận cho chuyển quyền, Chi nhánh không biết đất đang có tranh chấp, nhưng bây giờ đã biết rồi, tại sao Chi nhánh không huỷ nội dung xác nhận trái pháp luật của mình khi Luật khiếu nại cho phép ?!" 
     
    Người bị khiếu nại : "Tôi đã nói là không huỷ vì xác nhận đúng !"
     
    Người khiếu nại : "tức Chi nhánh cho rằng đất có tranh chấp do Toà thụ lý mặc kệ, cứ hễ Toà không gởi Thông báo thụ lý thì Chi nhánh cứ việc xác nhận cho chuyển quyền vì như vậy là đúng pháp luật ?"
     
    Người bị khiếu nại : "Đúng !"
     
    Người khiếu nại : "Xin cho biết điều đó được qui định ở Luật nào?"
     
    Người bị khiếu nại : im lặng !
     
    Kết quả đối thoại như vậy nhưng không biết mai này Quyết định giải quyết khiếu nại sẽ như thế nào, nếu theo quan điểm của Người bị khiếu nại thì sẽ có thêm 1 vụ khiếu nại hoặc 1 vụ án hành chính mới ra đời !?
     
    Cập nhật bởi TranTamDuc.1973 ngày 07/10/2017 06:07:45 CH

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557

    231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM

     
    Báo quản trị |  
  • #470015   08/10/2017

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


    Khi không có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì khó chứng minh được là cơ quan chức năng "biết rõ" có tranh chấp; Dù biết họ làm sai nhưng về lý thì khó bắt bẻ được họ.

     

     
    Báo quản trị |  
  • #470022   08/10/2017

    TranTamDuc.1973
    TranTamDuc.1973
    Top 50
    Male
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/03/2016
    Tổng số bài viết (1355)
    Số điểm: 10622
    Cảm ơn: 178
    Được cảm ơn 1121 lần


    Dù có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Quyết định này chắc gì được gởi cho Văn phòng đăng ký đất đai ? Vậy nên có QĐ đó thì họ muốn cũng sẽ lập luận như cũ thôi ?!

    Tranh chấp di sản thừa kế là đất thì bắt buộc phải hoà giải ở UBND cấp Xã, có Biên bản hoà giải không thành mới đủ điều kiện khởi kiện. Hàng năm UBND cấp xã phải báo cáo tình hình quản lý, biến động đất đai (trong đó có tình hình tranh chấp đất) ở Xã cho UBND Huyện mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chính là Cơ quan giúp UBND cấp Huyện quản lý đất đai, như vậy Văn phòng đăng ký đất đai đương nhiên biết rõ đất có tranh chấp. Chính quyền địa phương đương nhiên biết rõ đất đang có tranh chấp, tức không đủ điểu kiện để chuyển nhượng, vậy nên không cần phải yêu cầu Toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (cấm chuyển dịch quyền) trong trường hợp này.

    Mọi việc đều do con người quyết định, sẽ không cải cách hành chính được nếu con người trong bộ máy hành chính không đủ trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ nhưng có thừa trình độ làm càn, nói càn. Không khó khăn gì trong việc "bắt bẻ" họ, bằng chứng là Ông Giám đốc chi nhánh - Người bị khiếu nại - đã 2 lần "tắt tị" khi đối thoại như đã kể trong câu chuyện.

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557

    231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM

     
    Báo quản trị |  
  • #470028   08/10/2017

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


    Quyết định khẩn cấp tạm thời là ngăn chặn chuyển nhượng nhà đất sẽ được cập nhật trong dữ liệu thông tin nhà đất nên công chứng không ký từ đầu.

    Trong thực tế khi có tranh chấp thì nhờ ủy ban hòa giải, nhưng nếu sau đó họ tự hòa giải thành thì không bao giờ báo cho UB, nên có cần ngăn chăn hay không thì UB không biết.

     

    Cập nhật bởi hungmaiusa ngày 08/10/2017 01:39:41 CH
     
    Báo quản trị |  
  • #470034   08/10/2017

    TranTamDuc.1973
    TranTamDuc.1973
    Top 50
    Male
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/03/2016
    Tổng số bài viết (1355)
    Số điểm: 10622
    Cảm ơn: 178
    Được cảm ơn 1121 lần


    Chưa thống kê được nhưng hình như mới chỉ TP.HCM có cập nhật dữ liệu thông tin nhà đất nên Công chứng không ký từ đầu, trong khi vụ kể trên đã nói "Toà án Tỉnh thụ lý..." tức không ở TPHCM.

    Giả sử (giả sử là bởi việc kể trên không có tình huống này) sau đó họ tự hoà giải thành và không báo nên UB không biết thì thông tin đất đang có tranh chấp (cập nhật từ khi UB xã hoà giải không thành) vẫn không xoá trong dữ liệu thông tin địa chính mà Văn phòng quản lý => không xác nhận cho chuyển quyền được => bất cứ vụ tranh chấp đất đai nào mà có Hoà giải không thành ở UB cấp xã thì không cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hình thức cấm chuyển dịch quyền cho rườm rà, mất công và trái với tinh thần cải cách hành chính !?

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557

    231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM

     
    Báo quản trị |  
  • #470451   11/10/2017

    TranTamDuc.1973
    TranTamDuc.1973
    Top 50
    Male
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/03/2016
    Tổng số bài viết (1355)
    Số điểm: 10622
    Cảm ơn: 178
    Được cảm ơn 1121 lần


    Luật định kiểm tra hồ sơ để xác nhận (nếu đủ điều kiện chuyển nhượng) hoặc không xác nhận chuyển quyền (nếu không đủ điều kiện chuyển nhượng) là trách nhiệm của Văn phòng ĐKĐĐ. Thiết nghĩ, muốn biết đất có đang bị tranh chấp hay không chỉ cần "kiểm tra hồ sơ" ở 3 nơi là UBND Xã, Toà án nhân dân Huyện và Chi cục thi hành án dân sự nơi thửa đất toạ lạc là biết chính xác nhưng Văn phòng không làm.

    Cơ quan chuyên trách quản lý đất đai mà viện cớ "trăm công ngàn việc" để giải thích cho việc không nắm được tình hình tranh chấp đất đai trên địa bàn mình quản lý có thể là nguỵ biện để che dấu sự yếu kém năng lực, chuyên môn, không hoàn thành trách nhiệm công vụ được giao mà cũng có thể đó là dấu hiệu của tội "vi phạm các qui định về quản lý đất đai" tại điều 174 BLHS sửa đổi 2009.

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557

    231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM

     
    Báo quản trị |