Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh 1947, vượt biên năm 1976, đã thôi quốc tịch Việt Nam và đã nhập quốc tịch Hà Lan. Những ngày đầu ở xứ sở hoa Tulip, ông Bình sống bằng nghề bán dạo giò chả, dần dà ông trở thành chủ nhân một hệ thống kinh doanh giò chả tại Hà Lan. Năm 1987 ông Bình mang hơn 3 triệu USD về Việt Nam đầu tư, từ đó ông có biệt danh "Vua giò chả". Lúc này Việt Nam chưa ưu đãi nhiều cho Việt kiều nên ông Bình phải nhờ người quen đứng tên dùm khi mua nhà, đất tại bản xứ. Mười năm sau giá trị tài sản tại Việt Nam của "Vua giò chả" đã lên tới khoảng 30 triệu USD nhưng ông bị khởi tố tội "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và tội "đưa hối lộ" vào năm 1996, bị tuyên 13 năm tù giam, phúc thẩm giảm còn 11 năm đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản tại Việt Nam. "Vua giò chả" tận dụng cơ hội tại ngoại để thoát qua Vương quốc Cambodia rồi từ đó bay về Hà Lan.
Với tư cách một nhà đầu tư người Hà Lan, năm 2003 ông Bình khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư đặt tại Stockholm (Thụy Điển), yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho ông khoảng 100 triệu USD. Cơ sở pháp lý để "Vua giò chả" khởi kiện là "Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư" giữa Vương quốc Hà Lan và CHXHCN Việt Nam ký kết năm 1994 (Hiệp định 1994), trong đó có điều khoản hai bên thỏa thuận trong mọi trường hợp Việt Nam không được tịch thu tài sản của nhà đầu tư Hà Lan, Việt Nam từ bỏ quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý quốc tế và nếu hai bên có phát sinh tranh chấp về đầu tư thì sẽ do Trọng tài quốc tế giải quyết.
Bảo vệ quyền lợi cho "Vua giò chả" là tổ hợp luật sư nổi tiếng Covington & Burling gồm các Luật sư sừng sỏ của Hoa kỳ và Anh quốc, phía Việt Nam cũng thuê một hãng luật lừng danh của Pháp làm đại diện trong vụ kiện. Tuy nhiên, có lẻ hiểu rằng hoàn toàn bất lợi, bởi rõ ràng đã vi phạm Hiệp định 1994 khi tịch thu tài sản của "Vua giò chả" là nhà đầu tư Hà Lan và vì đã từ bỏ quyền miễn trừ nên đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, cho nên năm 2005 Việt Nam đã "hòa giải thành" với "Vua giò chả", đây là một quyết định đúng đắn nhằm tránh bị thêm khoản chi phí xét xử không nhỏ nếu để Trọng tài quốc tế xét xử bằng một phán quyết.
Nội dung "hòa giải thành" không được Việt Nam công khai, nhưng theo thông tin từ nhiều nguồn thì Việt Nam phải : 1/- Bồi thường ngay 15 triệu USD để "Vua giò chả" thanh toán chi phí kiện tụng, 2/- Phải trả lại cho "Vua giò chả" đầy đủ tài sản tịch thu chậm nhất là tới năm 2012, 3/- Phải cho "Vua giò chả" ra, vào Việt Nam làm từ thiện. Nghĩa vụ thứ 1 và thứ 3 đã được thực hiện, riêng nghĩa vụ thứ 2 đã hết thời hạn nhưng vẫn chưa thực hiện nên năm 2015 "Vua giò chả" lại tiếp tục khởi kiện ra Tòa án Trọng tài quốc tế ở Den Haag-The Hague (Hà Lan), lần này ông yêu cầu Việt Nam phải bồi thường tới 1 tỷ USD do đã vi phạm cam kết "hòa giải thành" hồi năm 2005. Vi phạm không thể biện minh nên khả năng Việt Nam thua kiện là rất cao.
Trong vụ án này, sai lầm thứ nhất là khi xét xử, cả 2 cấp Tòa sơ thẩm (Tòa án nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và phúc thẩm (Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao) đều bỏ qua những thỏa thuận ràng buộc của Việt Nam với Vương quốc Hà Lan tại Hiệp định 1994 khi nó đang còn hiệu lực, việc này rất khó hiểu, bởi cả hai hội đồng xét xử gồm các Thẩm phán trung và cao cấp thì không thể không biết ông Bình là nhà đầu tư Hà Lan, phải áp dụng Hiệp định 1994 và kể cả trong trường hợp Điều ước quốc tế - Hiệp định 1994 - có nội dung khác với Luật quốc gia thì vẫn phải áp dụng Hiệp định đó để giải quyết. Sai lầm thứ hai là cam kết cẩu thả khi hòa giải. Biết rõ tài sản bị tịch thu của ông Bình có một phần khá lớn đã thất thoát trong quá trình thi hành án và quản lý không thể nào thu hồi được mà vẫn cam kết trả lại đầy đủ đúng tài sản bị tịch thu cho ông ta. Do đã quen với tư duy hứa đại hứa đùa cho qua chuyện hay do Ông Bình rút hơn ½ yêu cầu khởi kiện khi hòa giải nên mừng quá mà chấp bút ký, không nhớ rằng việc trả lại đầy đủ đúng tài sản bị tịch thu là điều không tưởng ? Sai lầm thứ ba là khi phát hiện ra điều không tưởng đó thì không tích cực đàm phán để thỏa thuận cách thực hiện khác, như chuyển qua thanh toán bằng tiền theo giá trị tương đương chẳng hạn, việc này không khó bởi ông Bình từng rất có thiện chí là rút ½ yêu cầu khởi kiện lúc hòa giải ở lần kiện thứ nhất, cứ bỏ mặc cho thời hạn trôi qua như không biết đó là vi phạm Luật quốc tế mà mình đã ký kết và có nguy cơ phải bồi thường số tiền rất lớn.
Hậu quả là đất nước bị thiệt hại chồng lên thiệt hại, về mặt chính trị ít nhiều đã tạo ra một hình ảnh xấu cho môi trường đầu tư, về mặt kinh tế bị thiệt hại nặng nề khi tịch thu tài sản chỉ gần 30 triệu USD rồi phần bị thất thoát, phần không sinh lợi nhưng bây giờ có nguy cơ phải bồi thường số tiền lên tới hàng tỷ USD. Quốc tế thì đâu dễ "để lâu cứt trâu hóa bùn", họ rất coi trọng chữ tín nên phạt rất nặng những vi phạm liên quan tới chữ tín, nghĩa vụ mà không thực hiện đúng hạn, càng để lâu sẽ càng bị phạt nặng nề hơn. Cũng đừng mong chây ỳ trong thi hành án như ở Việt Nam, bởi quốc tế luôn có nhiều cách cưỡng chế rất hiệu quả, chuyện chuyên cơ "Tango 03" của Tổng thống Argentina bị Hà Lan giữ lại để xiết nợ hoặc chuyện đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ bị cấm thi đấu quốc tế nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu thi hành án cho Huấn luyện viên Letard số tiền 197.800 USD theo phán quyết của Toà án trọng tài thể thao quốc tế là những ví dụ điển hình. Đất nước còn nghèo, đáng lẻ phải chắt chiu dành dụm từng đồng ngoại tệ để dùng vào việc phát triển kinh tế, đằng này chỉ vì sự yếu kém đến độ khó tin của một nhóm người được giao quyền xử lý một vụ án không quá phức tạp mà Ngân sách phải mất đi một số ngoại tệ khổng lồ.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557
231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM