Một thành viên liên danh vi phạm hợp đồng thì các thành viên còn lại có bị phạt cùng không?

Chủ đề   RSS   
  • #616212 11/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Một thành viên liên danh vi phạm hợp đồng thì các thành viên còn lại có bị phạt cùng không?

    Khi một thành viên trong liên danh vi phạm hợp đồng, câu hỏi đặt ra là liệu các thành viên còn lại có phải chịu trách nhiệm chung hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Hình thức liên danh là gì?

    Theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 nhà đầu tư liên danh được định nghĩa như sau:

    Nhà thầu là tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu.

    Như vậy, hình thức liên danh là sự hợp tác giữa hai hoặc nhiều nhà  đầu tư trong cùng một dự án để thực hiện các công việc xây dựng, cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm. Trong mô hình này, các nhà đầu tư sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nguồn lực và rủi ro để hoàn thành dự án một cách hiệu quả hơn.

    Hình thức liên danh thường được sử dụng trong các dự án lớn và phức tạp, như xây dựng hạ tầng, công trình công cộng hoặc các dự án yêu cầu kỹ thuật cao.

    (2) Nhà thầu liên danh ký kết hợp đồng ra sao?

    Theo khoản 3 Điều 71 Luật Đấu thầu 2023, việc ký kết hợp đồng và nguyên tắc thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được quy định như sau:

    Cơ quan có thẩm quyền hoặc bên mời thầu (trong trường hợp được ủy quyền) ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với nhà đầu tư liên danh, tất cả các thành viên liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng.

    Như vậy, theo quy định trên, khi thực hiện ký kết hợp đồng, tất cả nhà đầu tư liên danh đều phải ký trực tiếp, và cùng đóng dấu vào văn bản hợp đồng. 

    (3) Một thành viên liên danh vi phạm hợp đồng thì các thành viên liên danh còn lại có bị phạt cùng không?

    Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 22 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định như sau:

    Trường hợp một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì xử lý như sau:

    - Phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đối với tất cả các thành viên liên danh;

    - Tịch thu giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của tất cả thành viên liên danh;

    - Chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên của liên danh mà vi phạm hợp đồng; trong trường hợp này, chỉ một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm hợp đồng bị coi là không hoàn thành hợp đồng và bị đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; các thành viên còn lại được tiếp tục thực hiện hợp đồng tương ứng với phần công việc đảm nhận trong liên danh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với một hoặc một số thành viên liên danh, chủ đầu tư phải đăng tải thông tin thành viên liên danh vi phạm hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trong thông báo phải nêu rõ lý do vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng và gửi quyết định đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi;

    - Phần công việc của thành viên vi phạm được giao cho các thành viên còn lại thực hiện nếu các thành viên này đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp này, các thành viên còn lại phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng mới tương ứng với giá trị phần công việc chưa thực hiện của gói thầu;

    - Trường hợp các thành viên còn lại từ chối thực hiện hoặc không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thì chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền cho phép tách phần công việc của thành viên vi phạm thành gói thầu riêng để chỉ định thầu theo quy định tại điểm đ khoản 20 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

    Như vậy, chiếu theo quy định trên, trường hợp một thành viên liên danh vi phạm hợp đồng thì tất cả thành viên liên danh còn lại có thể bị phạt và chịu trách nhiệm trong một số trường hợp cụ thể, nhưng vẫn có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu không vi phạm.

    Việc xử lý khi một thành viên trong liên danh vi phạm hợp đồng là một quy trình phức tạp, đảm bảo rằng cả trách nhiệm và quyền lợi của tất cả các thành viên được xem xét một cách công bằng. Điều này không chỉ bảo vệ chủ đầu tư mà còn duy trì tính minh bạch và công bằng trong các hoạt động đấu thầu và thực hiện hợp đồng.

     
    218 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận