Mất một bản di chúc, có làm thủ tục hủy bỏ các bản khác được không?

Chủ đề   RSS   
  • #616721 24/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 489 lần


    Mất một bản di chúc, có làm thủ tục hủy bỏ các bản khác được không?

    Người yêu cầu công chứng được Văn phòng công chứng cấp 03 bản di chúc (bản chính) nhưng do sơ suất, người này đã làm mất 01 bản, vậy có làm thủ tục hủy di chúc được không?

    (1) Làm mất 1 bản di chúc đã công chứng, có làm thủ tục hủy tất cả bản di chúc còn lại được không?

    Đầu tiên, cần khẳng định việc làm mất 01 trong nhiều bản chính của một bản di chúc có cùng nội dung với nhau sẽ không làm hủy bỏ giá trị pháp lý của di chúc đó, nếu mất 01 bản trong nhiều bản chính thì thì những bản di chúc còn lại vẫn giữ nguyên hiệu lực.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 640 Bộ Luật Dân sự 2015, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

    Tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014 cũng quy định:

    - Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.

    - Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

    Như vậy, theo quy định của pháp luật, người lập di chúc có thể hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào, trường hợp di chúc đã công chứng thì người lập di chúc có thể yêu cầu bất kì công chứng viên nào thực hiện việc hủy bỏ di chúc đó.

    Vì vậy, nếu người lập di chúc có ý định hủy bỏ di chúc đã được công chứng thì cần thực hiện các thủ tục tại Văn phòng công chứng để hủy bỏ bản di chúc còn lại, khi bản di chúc có cùng nội dung với bản di chúc bị mất được hủy bỏ thì bản di chúc bị mất cũng đương nhiên không còn hiệu lực (vì bản di chúc nào cũng có giá trị pháp lý ngang nhau).

    Lưu ý: Nếu có lưu giữ di chúc tại Văn phòng công chứng thì thực hiện thêm thao tác thông báo với Văn phòng công chứng đó về việc hủy bỏ di chúc.

    Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 640 và khoản 5 Điều 643 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

    - Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

    - Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

    Do đó, ngoài việc làm các thủ tục hủy bỏ di chúc đã lập, người lập di chúc có thể chọn hướng lập lại một bản di chúc mới.

    Khi bản di chúc mới được lập, bản di chúc cũ (bao gồm bản đã bị mất và tất cả các bản chính khác) sẽ đương nhiên bị hủy bỏ, lúc này, bản di chúc mới nhất chính là bản có hiệu lực.

    (2) Phát hiện mất di chúc tại thời điểm mở thừa kế thì chia thừa kế thế nào?

    Liên quan đến vấn đề này, Điều 642 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    - Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

    - Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

    - Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

    Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, trường hợp phát hiện mất di chúc tại thời điểm mở thừa kế mà không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ chia di sản theo diện thừa kế theo pháp luật (chia đều cho những người được thừa kế).

    Trường hợp tìm lại được di chúc sau khi đã chia di sản thì người được thừa kế theo di chúc có quyền yêu cầu chia lại di sản theo di chúc.

    Tuy vậy, có thể thấy việc mất di chúc hay mất 01 trong nhiều bản di chúc có hiệu lực có thể tạo ra nhiều rắc rối trong việc xác định ý chí của người lập di chúc và có thể dẫn đến tranh chấp giữa các bên thừa kế.

    Để tránh những tình huống phức tạp, người lập di chúc nên lưu trữ các bản sao an toàn và rõ ràng về ý định của mình, đồng thời thực hiện các thủ tục hủy bỏ nếu có nhu cầu thay đổi di chúc.

     
    166 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận