Sau 05 năm nghiên cứu thì đến nay Luật tiếp cận thông tin vẫn chưa “mở” được với báo chí và giới truyền thông, bởi lẽ vẫn còn nhiều quy định tại Luật này chưa đi đến thống nhất, còn nhiều tranh cãi.
Nổi bật tại Luật tiếp cận thông tin là việc lạm dụng dấu ‘MẬT”. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định về dấu “MẬT” vẫn còn là vấn đề nhằm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của nhân dân? Còn bạn thì sao?
Ý kiến của mình đưa ra quan điểm này là việc công khai các thông tin đều có 02 mặt của nó. Việc công khai mọi thông tin đúng là có điểm có lợi cho dân mình được tiếp cận thông tin. Bởi lẽ nhiều người vẫn chưa thể tiếp cận thông tin từ các khâu lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiện nay, nhiều trường hợp vi phạm rồi mới vỡ lẽ ra một điều “Tại tôi không biết ?!”. Nhưng mà lý do này đâu thể biện minh được cho hành vi vi phạm. Đó chỉ là một mặt của vấn đề công khai thông tin.
Mặt còn lại là các thế lực thù địch lợi dụng những thông tin này để chống phá ta. Đây có lẽ điều mà các nhà làm luật đã dự liệu được từ trước. Tuy nhiên việc phân ra loại thông tin nào công bố công khai, loại nào MẬT, TỐI MẬT, TUYỆT MẬT không phải dễ. Bởi lẽ, lạm dụng quá các dấu này thì lại ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân.
Do vậy, việc quy định các thông tin nào người dân được tiếp cận, thông tin nào thuộc dạng MẬT là vấn đề cần phải cân nhắc thận trọng.
Hiện nay, mình thấy việc tiếp cận thông tin trong khâu hành pháp của người dân vẫn còn rất ít.
Thực tế là những trường hợp bạn muốn làm thủ tục nào đó liên quan đến hành chính nhà nước rất khó khăn, phức tạp và nhiêu khê gây rắc rối, phiền hà cho dân. Người dân không biết là lẽ thường tình, thêm vào đó, thái độ ứng xử, phục vụ của không ít các cán bộ tại các cơ quan này không nhiệt tình làm cho nhiều người khi nhắc đến các thủ tục hành chính chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Phải chăng đây là lỗi ở dân hay do công tác tuyên truyền và các chính sách tiếp cận thông tin chưa được quy định cụ thể?