Chào bạn!
1. Bạn muốn tham gia BHXH tự nguyện sau khi dừng đóng BHXH bắt buộc tại công ty bạn mang theo : CMND và sổ BHXH cũ đến cơ quan BHXH để đăng ký BHXH tự nguyện.
2. Theo quy định của Luật BHXH thì trường hợp bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ thai sản ( quy định về chế độ thai sản chỉ áp dụng đôi với trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc).
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định. Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được miễn thuế.
3. Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định nhân với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
- Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội:
- Từ tháng 1 năm 2008 đến tháng 12 năm 2009 bằng 16%;
- Từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 12 năm 2011 bằng 18%;
- Từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013 bằng 20%;
- Từ tháng 1 năm 2014 trở đi bằng 22%.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung, được xác định bằng công thức:
Mức thu nhập tháng = Lmin + m x 50.000(đồng/tháng)
Trong đó:
Lmin: là mức lương tối thiểu chung.
m: là mức người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn để đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, là số nguyên lớn hơn hoặc bằng không (ví dụ: 0, 1, 2, 3, 4…..)
Mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm được hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tử tuất một lần.
Trân trọng!