Chào bạn!
Luật sư Đặng văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Theo quy định của bộ luật dân sự và các văn bản về đăng ký giao dịch bảo đảm thì với tài sản có đăng ký quyền sở hữu như đất đai, nhà ở, công trình xây dựng... khi thực hiện quyền thế chấp, bắt buộc giao dịch phải lập thành văn bản, có công chứng và phải đăng ký theo quy định pháp luật. Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định pháp luật.
Hợp đồng thế chấp của bạn chưa được đăng ký nên chưa có giá trị pháp lý. Do vậy, cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế thi hành án với tài sản đó để thi hành cho bản án đã có hiệu lực pháp luật. Bên công ty bạn có thể thương lượng với bên thế chấp và bên được thi hành án. Nếu không thương lượng được thì công ty bạn có thể khởi kiện để tranh chấp hợp đồng thế chấp đó, dù không được tòa án chấp nhận thì cũng làm ngăn cản được việc phát mại tài sản.
Bạn tham khảo quy định của Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 như sau:
"Điều 3. Các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
1. Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
2. Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất gồm thế chấp nhà ở, công trình xây dựng khác, vườn cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng.
3. Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
4. Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất.
5. Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
6. Đăng ký thay đổi, xoá đăng ký thế chấp đối với các trường hợp nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp.
Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
1. Người yêu cầu đăng ký tự kê khai hồ sơ đăng ký và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký.
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đảm bảo nội dung đăng ký thế chấp phù hợp với thông tin được lưu trong hồ sơ địa chính.
3. Trách nhiệm báo cáo về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện như sau:
a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc báo cáo 06 tháng và hàng năm về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, gửi Sở Tư pháp để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Báo cáo 06 tháng và hàng năm phải được gửi đến Sở Tư pháp chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quy định tại điểm c khoản này;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc báo cáo 06 tháng và hàng năm về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của địa phương do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp (đầu mối là Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Báo cáo 06 tháng và hàng năm phải được gửi đến Bộ Tư pháp chậm nhất là 25 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quy định tại điểm c khoản này;
c) Đối với báo cáo 06 tháng, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau. Đối với báo cáo hàng năm, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 30 tháng 9 năm sau.
4. Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 46 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các Sở, ban, ngành khác có liên quan thực hiện các công việc sau đây:
a) Kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ 06 tháng và hàng năm các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa phương về kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
b) Rà soát, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; quy trình đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phù hợp với các quy định về hồ sơ, thủ tục của Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;
d) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí đủ nguồn nhân lực, kinh phí để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
đ) Áp dụng các giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm ở địa phương."