Chào bạn!
Luật sư Đặng Văn Cường trả lời bạn như sau:
Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải lập văn bản, cũng không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực hợp đồng.
Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Đối với các hợp đồng vay tài sản mà bên cho vay là các tổ chức tín dụng thì thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các hợp đồng vay tài sản mà bên cho vay là các tổ chức, cá nhân khác thì được điều chỉnh bởi các qui định của Bộ luật Dân sự. Điều 401 Bộ luật Dân sự qui định về hình thức của hợp đồng dân sự như đã nêu ở trên.
Điều 471 Bộ luật Dân sự qui định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định”. Căn cứ các qui định của Bộ luật Dân sự nêu trên, hợp đồng vay tài sản của các tổ chức, cá nhân khác không phải là tổ chức tín dụng thì không cần phải công chứng, chứng thực, chỉ cần giao kết bằng văn bản hai bên ký hoặc bằng hành vi là có hiệu lực pháp luật và bắt buộc các bên phải chấp hành. Nếu một bên vi phạm thì bên kia có quyền khởi kiện tới tòa án để được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.