Cơ sở pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
được Bác Hồ khẳng định như thế nào?
Nhà nước là một thể chế pháp lý nên phải có một cơ sở pháp lý. Các luật gia tranh cãi nhiều về cơ sở pháp lý của Nhà nước, thậm chí có người cho rằng nhà nước là kết quả của sự "hình thành tự nhiên", nhưng cuối cùng người ta đều công nhận hành động tạo lập nên nhà nước dân tộc có trường hợp là việc tuyên bố thành lập nền cộng hòa hay nền quân chủ lập hiến trên nguyên tắc chủ quyền của dân tộc, có trường hợp là tuyên bố độc lập như việc 13 quốc gia của nước Mỹ tuyên bố độc lập năm 1776.
Có những trường hợp ngoại lệ như việc LHQ chia nước Pa-le-xtin làm hai quốc gia, thành lập thêm nước Do Thái độc lập gọi là Nhà nước I-xra-en. Tuy nhiên sau đó ngày 14-3-1948, I-xra-en vẫn công bố bản tuyên bố độc lập. Hay như LHQ ra quyết định ngày 21-11-1949 về việc kiến lập Li-bi thành một "nhà nước độc lập và có chủ quyền" nhưng đến 24-12-1951, Li-bi vẫn công bố bản tuyên bố độc lập. Trong trường hợp nước thực dân đơn phương thỏa thuận cho thuộc địa được độc lập (phi thực dân hóa), nước thuộc địa thường vẫn có tuyên bố độc lập như Ấn Độ, Mi-an-ma.
Như vậy, pháp lý của các tuyên bố độc lập dựa trên nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc và ý nguyện của dân tộc, cơ sở pháp lý của nhà nước dân tộc không thể là một hành động từ bên ngoài.
Với thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, đỉnh cao của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam đã giành lại được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là một nhà nước xuất xứ từ một cuộc cách mạng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân.
Trong sáu mươi năm qua, các nhà chính trị, nhà nghiên cứu của nước ta nói nhiều đến nguồn gốc lịch sử của nhà nước mới, ít nói đến cơ sở pháp lý của nhà nước đó. Tôi nghĩ nên căn cứ vào những khái niệm quốc tế, nguồn gốc lịch sử và cơ sở pháp lý, để có cái nhìn và đánh giá đầy đủ về Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
#ece9d8; PADDING-RIGHT: 2.25pt; BORDER-TOP: #ece9d8; PADDING-LEFT: 2.25pt; PADDING-BOTTOM: 2.25pt; BORDER-LEFT: #ece9d8; PADDING-TOP: 2.25pt; BORDER-BOTTOM: #ece9d8; BACKGROUND-COLOR: transparent">
|
Về nguồn gốc lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chúng ta có đầy đủ các dữ kiện. Chỉ xin nhắc đến sự kiện ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hàng vạn người tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã đọc Tuyên ngôn Độc lập thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, Dân tộc của nước Việt Nam, được thành lập bằng bản Tuyên ngôn Độc lập chuyển nước Việt Nam từ một thuộc địa thành một nước cộng hòa.
Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm trước hết đến cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là sự vận dụng sáng suốt và kịp thời sự hiểu biết sâu rộng của Người về lịch sử hình thành các nhà nước trên thế giới. Ai cũng biết khi ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng nhà nước-dân tộc ở Pháp ra đời năm 1787 từ bản Tuyên bố về quyền của con người và của người công dân vì bản tuyên bố đó tuyên bố nguyên tắc chủ quyền của dân tộc và khởi xướng khái niệm công dân không còn là thần dân của nhà nước quân chủ nữa. Khi ở Trung Quốc, Người biết rằng sau cuộc khởi nghĩa Vũ Xương mở đầu cuộc cách mạng Tân Hợi, Tôn Trung Sơn nhậm chức tổng thống và tuyên bố thành lập nước Trung Hoa dân quốc, xóa bỏ nhà nước quân chủ của nhà Thanh. Hội nghị các đại biểu các tỉnh chuyển thành Tham nghị viện. Khi ở Mỹ, Người biết rằng 13 thuộc địa của Anh sau khi đánh thắng quân Anh tuyên bố độc lập ngày 4-7-1776 không những chấm dứt sự lệ thuộc Anh mà còn khẳng định chủ quyền của dân tộc, lập nên nhà nước-dân tộc. Nhiều nước khác cũng qua việc công bố Tuyên bố độc lập và thành lập nước cộng hòa.
Sau khi khởi nghĩa thành công, độc lập đã giành lại được, với sự hiểu biết sâu rộng về sự hình thành các nhà nước dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng quyết định của Quốc dân Đại hội Tân Trào thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) hay việc cải tổ Ủy ban giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không thể là hành vi tạo nên cơ sở pháp lý cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà phải công bố một Tuyên ngôn độc lập như luật pháp quốc tế yêu cầu. Tuyên ngôn độc lập đó có nhiệm vụ xóa bỏ chế độ thuộc địa thành lập nước cộng hòa với chủ quyền của dân tộc và nhân dân, tức là một nhà nước-dân tộc. Bản tuyên bố đó dựa trên quyền tự quyết của các dân tộc và ý nguyện của dân tộc. Bản Tuyên ngôn đó chính là cơ sở pháp lý của nhà nước-dân tộc. Nói Chủ tịch Hồ Chí Minh có thiên tài làm bản Tuyên ngôn độc lập có nghĩa là Người đã biết vận dụng kinh nghiệm thành lập các nhà nước-dân tộc trong lịch sử để lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên cơ sở pháp lý vững chắc.
Một câu hỏi nữa là vì sao lại chọn ngày 2-9-1945 để tuyên bố độc lập, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đầu tiên thắc mắc về vấn đề này là ông Nguyễn Hữu Đang. Tối ngày 28-8, sau khi Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ tổ chức lễ ra mắt Chính phủ vào ngày 2-9-1945, ông Đang thấy chỉ còn 4 ngày, làm sao cho kịp. Hồ Chủ tịch hỏi: "Chú có làm được không?", ông Đang trả lời: "Thưa Cụ, vì còn ít ngày quá nên rất khó khăn". Hồ Chủ tịch không giải thích mà chỉ động viên ông Đang "phải làm bằng được để xứng đáng lòng tin cậy của Chính phủ". Ông Đang hiểu rằng không thể hoãn được, tích cực động viên các bạn Văn hóa cứu quốc, Hướng đao, Truyền bá quốc ngữ và cuối cùng đã hoàn toàn thành công trong việc tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ tại Quảng trường Ba Đình, tuy chưa được biết câu trả lời cho câu hỏi: tại sao phải làm ngày 2-9-1945.
Muốn tìm một lý giải cho việc chọn ngày 2-9 mà không phải một ngày khác, trước hết phải hiểu bối cảnh nước ta và quốc tế vào thời điểm đó. Với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra đời và là nhà nước thực tế đang kiểm soát toàn bộ nước Việt Nam. Bất kể Chính phủ hay lực lượng nào muốn giải quyết vấn đề gì về Việt Nam không thể không được sự đồng ý của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Hội nghị Pốt-xđam ở Đức tháng 7-1945 đã quyết định việc tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật ở Đông Dương giao cho Chính phủ Trung Hoa dân quốc ở phía bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở lên, cho Chính phủ anh ở phía nam Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Pháp thấy mình bị gạt ra ngoài nên Đờ Gôn cấp tốc phái Đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn đông sang Việt Nam (CEFEO) dưới quyền chỉ huy của tướng Lơ Cléc, bổ nhiệm đô đốc D’ Argenlieu làm Cao ủy Đông Dương, rồi đích thân đi Mỹ đề nghị Mỹ công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, tổng thống Tru-man đã đồng ý. Biết không thể vượt qua đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Pháp đã ký Hiệp ước Trùng Khánh để Trung Hoa dân quốc nhường Pháp quyền tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật để có thể đưa quân Pháp một cách hòa bình ra Bắc kỳ... Pháp cho Mesmer nhảy dù xuống làm đại diện Chính phủ Pháp tại Nam Bộ, một tổ biệt kích xuống gần Huế để lôi kéo vua Bảo Đại. Ngày 22-8 Xanh-tơ-ni theo máy bay Mỹ đến Hà Nội. Ý đồ của Pháp rõ ràng là trở lại Đông Dương có thể bằng thương lượng, có thể bằng vũ lực. Quân Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam cần được Việt Nam cung cấp hậu cần và giúp đỡ của nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là chưa kể việc các quan chức Trung Quốc tung những tay sai người Việt để quấy phá chính quyền nhân dân.
Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào cũng cần có một chính phủ để thay mặt nước Việt Nam bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, an ninh và quyền lợi chính đáng của người Việt Nam. Chính người đại diện của Pháp cũng hiểu rằng dù có sự thỏa thuận của Chính phủ Tưởng Giới Thạch, Pháp vẫn cần được Việt Nam dân chủ Cộng hòa đồng ý cho Pháp đưa quân ra miền Bắc. Tình hình phát triển rất khẩn trương. Ngày 27-8, quân Lư hán đã vượt biên giới tiến về Hà Nội. Đại diện của Pháp đã đến Hà Nội ngày 22-8. Ngày 28-8, biệt kích Pháp đã nhảy dù xuống gần Huế để có liên lạc với Bảo Đại. 6.000 quân của tướng Alessandri đã chiếm Lai Châu. Đáng lẽ ngay sau khi tổng khởi nghĩa đã thành công, ta đã phải có một Chính phủ chính thức để thay mặt đất nước tiếp đón các đại diện dân sự, quân sự của nước ngoài. Nhưng tình thế của ta cũng không thể làm nhanh được: ngày 23-8, Thường trực Trung ương từ Tân Trào mới về đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25-8 mới về đến Hà Nội, ngày 27-8, Chính phủ lâm thời mới được thành lập. Ngày 28-8, Hồ Chủ tịch mới viết Tuyên ngôn Độc lập. Yêu cầu của tình hình là lập Chính phủ lâm thời càng sớm càng tốt để tiếp đón quân Tưởng Giới Thạch đến Hà Nội, tiếp đón đại diện của Chính phủ Pháp, của tổ chức OSS của Mỹ. Rõ ràng Chính phủ lâm thời không thể ra mắt đồng bào trước ngày 28-8. Hồ Chủ tịch đặt yêu cầu với ông Nguyễn Hữu Đang không thể ngắn hơn 4 ngày mà cũng không thể kéo dài hơn 4 ngày vì quân Tưởng đã bắt đầu vào nước ta, thậm chí những va chạm đầu tiên giữa dân ta và lính Tưởng đã xảy ra ở Lạng Sơn.
Khi ông Nguyễn Hữu Đang hỏi Hồ Chủ tịch tại sao làm gấp thế, Hồ Chủ tịch không giải thích mà chỉ động viên ông chính là vì tình hình phức tạp và khẩn trương, Việt Nam dân chủ cộng hòa nhất thiết phải là Chính phủ đang làm chủ đất nước, các nước khác không thể vượt qua chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
LƯU VĂN LỢI - .quandoinhandan.org.vn