Hướng dẫn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024

Chủ đề   RSS   
  • #611150 03/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 498 lần


    Hướng dẫn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024

    Có rất nhiều trường hợp kẻ gian lợi dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách trình báo để đảm bảo quyền lợi của mình. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024

    Bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trình báo ở đâu

    Theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: 

    - Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

    + Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

    + Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

    + Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

    - Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

    + Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

    + Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

    + Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

    Theo, Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:

    - Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

    + Cơ quan điều tra;

    + Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

    + Viện kiểm sát các cấp;

    + Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

    - Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:

    Các cơ quan quy định tại trên, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

    Đồng thời, khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra như sau:

    Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

    Như vậy, khi nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể làm đơn tố giác/trình báo đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.

    Hướng dẫn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024

    Bước 1: Làm đơn trình báo, chuẩn bị chứng cứ

    Người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản viết đơn trình báo về việc mình bị lừa đảo. Đồng thời, chuẩn bị các chứng cứ kèm theo để việc trình báo được thuận tiện hơn.

    Hiện nay, pháp luật không quy định mẫu đơn cụ thể, tuy nhiên có thể tham khảo mẫu đơn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024 tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/03/M%E1%BA%ABu%20%C4%91%C6%A1n%20tr%C3%ACnh%20b%C3%A1o%20c%C3%B4ng%20an.docx 

    Theo Điều 87, Điều 89, Điều 99, Điều 100, Điều 101Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về chứng cứ như sau:

    - Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

    + Vật chứng: là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

    + Lời khai, lời trình bày;

    + Dữ liệu điện tử: là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử; Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

    + Kết luận giám định: là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.

    + Kết luận định giá tài sản: là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.

    + Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

    + Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

    + Các tài liệu, đồ vật khác: những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì được coi là vật chứng.

    - Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

    Bước 2: Nộp đơn trình báo

    Sau khi đã chuẩn bị xong đơn trình báo và các chứng cứ kèm theo, người bị lừa đảo nộp lên một trong các cơ quan có thẩm quyền như đã phân tích ở phần trên bao gồm:

    - Các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; 

    - Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.

    Bước 3: Thực hiện các thủ tục tiếp theo

    Sau khi nộp đơn và được tiếp nhận, người dân thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tiếp nhận đơn trình báo để phục vụ công tác điều tra.

    Như vậy, bài viết trên đây đã hướng dẫn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2024. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuỳ tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định.

    Tuy nhiên, việc trình báo, tố giác tội phạm cũng cần phải chính xác. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà cũng sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

     
    15573 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (15/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận