Làm CCCD gắn chip tại nơi tạm trú - Minh họa
Những ngày gần đây, nhiều người dân gửi câu hỏi có nội dung tương tự như trên về DanLuat và đang hoang mang không biết có thể kịp làm CCCD trước ngày 1/7 hay không. Để giải đáp thắc mắc trên, xin thông tin đến bạn đọc những nội dung sau đây:
1. Có ĐƯỢC làm CCCD gắn chíp tại nơi tạm trú HAY KHÔNG?
Vấn đề này được nêu rõ tại Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014: Công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý căn cước công dân nào để làm thủ tục cấp CCCD.
Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng điều luật này được hướng dẫn bởi Thông tư 07/2016/TT-BCA, cụ thể là Điều 16 quy định về Phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó và Các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
Từ đó có thông tin cho rằng khi căn cước công dân của bạn đã chuyển sang loại 12 số, nghĩa là bạn đã được cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, lúc này việc đổi sang CCCD gắn chip tại nơi tạm trú mới được thực hiện, còn trường hợp chưa được cấp CCCD loại 12 số thì phải về nơi thường trú.
Mặc dù vậy, theo hướng dẫn của nhiều địa phương, từ nay tới 01/7/2021, để đạt mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD, các địa phương đang ưu tiên cấp CCCD cho người dân thường trú trước, sau đó vẫn sẽ triển khai cấp cho người đang tạm trú.
Thực tế, mỗi địa phương sẽ công khai thông tin cho người dân biết được rằng nơi đó có làm CCCD cho người tạm trú hay không, công dân cần chú ý theo dõi thông tin tại nơi cấp CCCD. Trong trường hợp vẫn chưa được thông tin cụ thể, người dân hoàn toàn có thể đến nơi làm căn cước công dân tại quận, huyện, phường, xã mình đang sinh sống để trực tiếp hỏi về vấn đề này.
2. Phải mang theo gì nếu được làm tại nơi tạm trú?
Trả lời trước báo chí, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) TP. HCM lưu ý:
Người dân chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh về nơi thường trú của mình.
Như vậy, người dân cần phải mang theo CMND/CCCD cũ, sổ hộ khẩu để cán bộ tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu. Giấy khai sinh hoặc một số giấy tờ hộ tịch khác chỉ yêu cầu xuất trình khi cán bộ cần phải đối chiếu, xác minh một số dữ liệu về ngày tháng sinh, hộ tịch... mà trên CMND/CCCD và sổ hộ khẩu bị thiếu, không rõ ràng...
Về vấn đề sử dụng thay thế sổ hộ khẩu sao y chứng thực cho sổ hộ khẩu bản chính: Phòng PC06 cho hay sổ hộ khẩu sao y chứng thực không được cán bộ tiếp nhận chấp nhận. Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để đối chiếu thông tin, người dân cần xuất trình sổ hộ khẩu bản chính.
Như vậy người tạm trú tại TP.HCM cần mang theo sổ hộ khẩu bản chính để được tiếp nhận hồ sơ giải quyết cấp CCCD tại TP.HCM. Vậy nên người tạm trú có thể về quê hoặc nhờ người thân ở quê gửi sổ hộ khẩu bản chính lên/vào TP.HCM (nếu không mang theo sổ hộ khẩu bản chính tại TP.HCM). Ngoài ra để thuận tiện trong việc đối chiếu thông tin, bạn nên mang theo cả sổ tạm trú bản chính!