Ngày hôm nay, 22/06/2017 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án HH Trương Hồ Phương Nga về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử lần 2. Tại phiên tòa Bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã sử dụng quyền im lặng, bị cáo Nga khẳng định không tin tưởng cơ quan điều tra nên không khai và bị cáo cũng nói nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền và bị cáo Nga không có nghĩa vụ phải chứng minh mình bị oan.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM Trương Hồ Phương Nga quen biết với ông Cao Toàn Mỹ (sinh năm 1977) qua mạng xã hội.
Khoảng năm 2012 Nga nói với ông Mỹ rằng mình có khả năng kinh doanh bất động sản và có người quen bán nhà với giá rẻ, nói ông Mỹ đưa tiền để Nga mua giúp.
Sau khi ông Mỹ đưa tiền nhưng Nga viện lý do mua bán không thành, giới thiệu căn khác nhưng rồi cũng không giao nhà.
Sau khi nói mua bán đổi sang nhiều căn nhà khác và ông Mỹ vẫn tin tưởng chuyển thêm tiền, đến tháng 11-2013, Nga viết giấy xác nhận đã nhận 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ để mua nhà.
30 ngày sau không thấy Nga liên lạc để làm thủ tục sang tên nhà, ông Mỹ đi tìm hiểu thì biết mình bị lừa. Đòi Nga trả tiền không được, ông Mỹ làm đơn tố cáo và Nga cùng Dung (bạn Nga) bị khởi tố, bắt giam.
Trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên được mở ngày 21-9-2016, Phương Nga bất ngờ cho lời khai rằng giữa Nga và ông Mỹ có mối quan hệ tình cảm và số tiền 16,5 tỉ đồng trên là để thực hiện "hợp đồng tình cảm" giữa Nga và Mỹ trong 7 năm.
Nga khai không lừa đảo ông Cao Toàn Mỹ.
Về quyền im lặng của bị cáo, ở Việt Nam tuy chưa ghi nhận trực tiếp về quyền im lặng, nhưng quyền này được thể hiện gián tiếp ở nhiều điều luật của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khi cho phép người bị bắt không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc nhận có tội.
Cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các điểm e khoản 1 điều 58, điểm c khoản 2 điều 59, điểm d khoản 1 điều 60, điểm h khoản 2 điều 61. Theo đó, ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Khoản 3 Điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.
Điều 15 cũng quy định Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.