Đốt rác trong sân nhà mình có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #617467 14/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Đốt rác trong sân nhà mình có bị phạt không?

    Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên việc đốt rác trong sân nhà mình có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Nếu phải thì hành vi này bị phạt ra sao?

    (1) Đốt rác trong sân nhà mình có vi phạm pháp luật không?

    Theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các hành vi sau đây bị pháp luật nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường:

    1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

    3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

    4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

    5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

    7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

    8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    9. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

    10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

    11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

    13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

    14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    Như vậy, pháp luật nghiêm cấm thực hiện các hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không quy định trừ trường hợp đốt rác trong sân nhà mình.

    Do đó, hành vi tự ý đốt rác là chất thải rắn, chất thải nguy hại trong khu dân cư, hoặc trong chính sân nhà của mình mà không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là hành vi không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

    Ngược lại, trường hợp đốt rác trong sân nhà mà tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm việc sử dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, kiểm soát khói bụi, và đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân xung quanh, có thể được xem xét là hợp pháp. Tuy nhiên, việc này vẫn cần phải được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và theo đúng quy trình đã được quy định.

    (2) Mức xử phạt đối với hành vi đốt rác không đúng quy định

    Theo Điều 172 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

    Căn cứ theo khoản 8 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hành vi đốt chất thải rắn không đúng quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt tùy theo khối lượng chất thải, cụ thể:

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: đối với trường hợp đốt chất thải rắn thông thường dưới 1.000 kg;

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: đốt chất thải rắn thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng: đốt chất thải rắn thông thường từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg;

    …và mức phạt cao nhất lên đến 250.000.000 đồng nếu đốt chất thải rắn thông thường từ 100.000 kg trở lên (tức 100 tấn). 

    Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị có chức năng xử lý và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

    Do đó, nếu bạn vẫn đang đốt rác không đúng quy định, hãy dừng ngay việc này lại vì có thể bạn sẽ bị xử phạt rất nặng.

    Trong trường hợp bạn là người bị ảnh hưởng vì khói khi người khác đốt rác không đúng quy định, bạn nên soạn một đơn trình báo gửi đến Ủy ban nhân dân và công an tại phường, xã, thị trấn nơi xảy ra sự việc. Trong đơn cần kèm theo các chứng cứ và tài liệu đã thu thập.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trưởng công an cấp xã và các chiến sĩ Công an nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ có quyền xử phạt hành chính đối với hành vi đốt rác trong khu dân cư. Hình thức xử phạt có thể bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu các vật phẩm và phương tiện liên quan đến việc đốt rác, cũng như yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục để phục hồi môi trường về trạng thái ban đầu.

     
    131 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận